Tại phiên toà xét xử vụ AIC, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đề nghị tuyên phạt cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành mức án 10-11 năm tù vì tội "Nhận hối lộ".
Bào chữa cho ông Thành, luật sư đề nghị cho cựu Bí thư Đồng Nai được hưởng tình tiết giảm nhẹ là “Người phạm tội tự thú”. Đối đáp với quan điểm trên của luật sư, đại diện VKS cho rằng: Từ ngày 1/7-12/10/2022, với 4 lời khai và 4 bản tường trình, ông Thành mới khai nhận đầy đủ số lần, số tiền tiền nhận từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Theo đại diện VKS, đây là kết quả đấu tranh của CQĐT đối với bị cáo chứ không phải là tự thú.
Yêu cầu thay đổi tội danh cho cựu Bí thư Đồng Nai, luật sư nêu: Bị cáo không có bất kỳ quyền hạn nào trong việc quyết định cho AIC trúng thầu, vì thế truy tố tội Nhận hối lộ đối với ông Thành là chưa hoàn toàn thỏa đáng. Thực tế, hành vi giới thiệu của ông Thành chỉ có ý nghĩa là sự ảnh hưởng của bị cáo đã tác động một phần đến các lãnh đạo được giới thiệu. Hơn nữa, ông Thành không có hành vi “chỉ đạo” để cho AIC trúng thầu. Hành vi nhận tiền theo giai đoạn, không thể quy kết tất cả là nhận hối lộ.
Đối đáp lại quan điểm trên của luật sư, đại diện VKS khẳng định: Bị cáo Trần Đình Thành có nhiều năm là Bí thư Tỉnh ủy, hơn 10 năm làm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Bí thư là người đứng đầu tỉnh ủy, chịu trách nhiệm cao nhất trước tỉnh ủy, ban thường vụ và thường trực tỉnh ủy; cùng tỉnh ủy, ban thường vụ và thường trực tỉnh ủy chịu trách nhiệm trước Trung ương, đảng bộ và nhân dân địa phương về sự lãnh đạo của Đảng trên mọi lĩnh vực ở địa phương và chịu trách nhiệm trực tiếp về những công việc được phân công…
Do đó, bị cáo có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định trên mọi lĩnh vực ở địa phương, trong đó có việc lãnh đạo việc quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hằng năm của tỉnh; quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh trong phạm vi được phân quyền.
Với nhiệm vụ, quyền hạn của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, bị cáo Trần Đình Thành không phải là người không có bất kỳ quyền hạn nào trong việc quyết định cho AIC trúng thầu.
Để chứng minh quan điểm cho rằng ông Thành có hành vi “chỉ đạo” để cho AIC trúng thầu, đại diện VKS trích lục lời khai của bị cáo Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai). Theo đó, ngày 21/9/2022, ông Vũ khai: Bị cáo Trần Đình Thành quan tâm đặc biệt quá trình AIC tham gia đấu thầu dự án. Ông Thành chỉ đạo bị cáo Vũ phải thực hiện, nếu không sẽ ảnh hưởng đến uy tín và vị trí công tác…
Theo đại diện VKS, hành vi nhận tiền của cựu Bí thư Đồng Nai được diễn ra xuyên suốt từ trước đến sau khi đấu thầu (năm 2010-2014) do đã thực hiện các công việc theo yêu cầu của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn để giúp Công ty AIC trúng các gói thầu.
“Không thể có những món quà có giá trị lớn bất thường nếu như không làm việc gì đó có lợi cho người đưa mà không phải là tác động đến người có chức vụ, quyền hạn. Do đó hành vi của Trần Đình Thành là nhận hối lộ như cáo trạng quy kết”, lời vị đại diện VKS.
Liên quan đến vụ án, bà Bồ Ngọc Thu (nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai) bị đại diện VKS đề nghị xử phạt mức án 4-5 năm tù vì tội Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Thu khẳng định cựu Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai “không có động cơ vụ lợi” như cáo trạng quy kết và đề nghị thay đổi tội danh của bị cáo sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Quan điểm đối đáp của đại diện VKS cho rằng, theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐ-TP thì bị cáo có động cơ vụ lợi.
Thứ nhất, bị cáo được lợi về phi vật chất, bởi bà Thu đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để củng cố, khẳng định uy tín.
Thứ hai, bà Thu được lợi về vật chất khi vào các dịp lễ, Tết đã nhận lợi ích vật chất từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn hoặc Phó TGĐ Công ty AIC Trần Mạnh Hà mỗi lần từ 10-50 triệu đồng.
Do đó, không có căn cứ để thay đổi tội danh với bị cáo Thu.