CLIP luật sư bào chữa cho cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng
Chiều 18/7, phiên tòa xét xử vụ “chuyến bay giải cứu” tiếp tục với phần tranh luận. HĐXX dành thời gian cho luật sư bào chữa của cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng.
Quan điểm luận tội của đại diện VKS cho rằng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã nhận hối lộ số tiền 21,5 tỷ đồng của đại diện 13 doanh nghiệp để tạo điều kiện cấp phép các chuyến bay.
Cho rằng hành vi của ông Tô Anh Dũng cấu thành tội Nhận hối lộ theo điểm a khoản 4 Điều 354 BLHS, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo mức án 12- 13 năm tù.
Luật sư Lê Thành Kính, người bào chữa cho ông Tô Anh Dũng đưa ra quan điểm, việc truy tố bị cáo tội nhận hối lộ là đúng người đúng tội, đúng pháp luật. Liên quan đến vai trò của ông Tô Anh Dũng, luật sư cho rằng, từ khi Chính phủ phân công Bộ Ngoại giao làm đầu mối, Cục lãnh sự là đơn vị chủ trì phụ trách chủ trì việc giải quyết cấp phép các chuyến bay combo, các chuyến bay đều được giải quyết phê duyệt.
Bị cáo Tô Anh Dũng luôn xác định việc chống dịch như chống giặc, thực hiện đúng phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Theo phân tích của luật sư Lê Thành Kính, bị cáo Tô Anh Dũng không có bất kỳ mối quan hệ nào với các doanh nghiệp trong danh sách được phê duyệt cấp phép chuyến bay.
Điều này được thể hiện trong bút lục và lời khai của các bị cáo là chủ doanh nghiệp. Trong số 13 công ty được cấp phép chuyến bay thì có 7 công ty đã tham gia từ năm 2020 trong các chuyến bay giải cứu; 6 công ty có quan hệ với Văn phòng chính phủ và bộ ngành được giới thiệu đến gặp ông Tô Anh Dũng.
Theo luật sư Lê Thành Kính: “Bị cáo hoàn toàn không hứa hẹn với các doanh nghiệp về việc giúp đỡ đưa vào danh sách được phê duyệt cấp phép bay”.
Vẫn theo quan điểm bào chữa của luật sư, bản thân ông Tô Anh Dũng và các doanh nghiệp không có mối quan hệ trước đó nên không có sự trao đổi, thỏa thuận ăn chia hay ngầm hiểu phải cám ơn.
Phân tích của luật sư cho rằng, khi vụ án được khởi tố, do nhận thức sâu sắc việc là công chức nhà nước, nhận tiền là vi phạm nên bị cáo đã tích cực hợp tác với CQĐT.
Bị cáo vì cả nể, không phân biệt được ranh giới giữa pháp luật và tình cảm nên phạm tội. Dù không chủ ý và gián tiếp nhưng bị cáo thấy có lỗi với bà con ở nước ngoài, những người muốn trở về nước trong thời dịch bệnh.
Trình bày các tình tiết giảm nhẹ tội cho ông Tô Anh Dũng, luật sư đề nghị HĐXX xem xét toàn diện khách quan động cơ, bối cảnh phạm tội của bị cáo, áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt cho ông Tô Anh Dũng để bị cáo được hưởng mức án thấp nhất ở khung hình phạt.
“Bị cáo nhận thấy dù không cố ý nhưng đã vô tình làm ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng và Nhà nước. Bị cáo nhận thấy rằng mình đã mắc lỗi rất lớn, làm tổn hại đến truyền thống gia đình", lời bào chữa của luật sư.
Luật sư cho biết, tới nay gia đình cựu Thứ trưởng đã khắc phục hoàn toàn số tiền 21,5 tỷ đồng. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét giải tỏa kê biên 2 tài sản của ông Tô Anh Dũng.
CLIP cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bật khóc, thành khẩn nhận tội
Được quyền tự bào chữa, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao bật khóc, thành khẩn nhận tội.
Bị cáo trình bày về những nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình trong suốt quá trình xảy ra dịch bệnh với mong muốn đưa được công dân về nước nhiều nhất, nhanh nhất, tránh lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.
Theo lời ông Tô Anh Dũng, liên quan đến việc xét duyệt các chuyến bay combo, bị cáo thường xuyên nhắc nhở anh em ở Cục lãnh sự phải đảm bảo công việc. Tất cả các công văn trình đều là công khai, không có khuất tất.
“Bị cáo nhắc anh em làm việc tận tụy, không gây khó khăn, đòi hỏi doanh nghiệp” lời ông Tô Anh Dũng. Ông nhấn mạnh, quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp là xuất phát từ nể nang, vì không phân biệt được ranh giới giữa dân sự và hành vi phạm tội.
"Tôi được đọc 2 quyển luật, tôi nhận thức ra sai lầm của mình nên đã làm đơn tự nguyện thành khẩn khai báo ngay từ ngày đầu.
Đây là cơ sở để VKS có kết luận hành vi vi phạm của tôi. Suốt 1 năm trong trại tạm giam, tôi rất ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội của mình, đã nhắc gia đình khắc phục hậu quả…
Bị cáo xin lỗi lãnh đạo Đảng, nhà nước, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, nhân dân về những sai phạm của mình”, lời ông Tô Anh Dũng. Ở cuối phần tự bào chữa, ông Tô Anh Dũng nghẹn ngào, run rẩy rồi bật khóc nói lời xin lỗi, mong HĐXX xem xét thêm cho các bị cáo là cựu cán bộ ngoại giao.
“Cho tôi có cơ hội trở về với gia đình trong những năm cuối cuộc đời mình”, cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng vừa nói vừa khóc.