LỜI TÒA SOẠN
Nhiều giáo viên chia sẻ, nghề giáo đang Phải chịu quá nhiều áp lực. Áp lực từ sự đòi hỏi phải không ngừng đổi mới sáng tạo của nghề; từ sự kỳ vọng quá lớn ở phụ huynh, học sinh; từ chính cuộc mưu sinh của các thầy cô... VietNamNet mở diễn đàn Áp lực nghề giáo – nơi chia sẻ mọi vui, buồn của người đứng trên bục giảng. Dưới đây là bài viết của độc giả Phan Thanh Cẩm Giang (Xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, Bạc Liêu). Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Nghề giáo vốn được xem là một trong những nghề cao quý. Ngày xưa, hễ gia đình có người thân làm giáo viên thường được mọi người xuýt xoa, xem trọng. Trường hợp về ra mắt gia đình người yêu, nếu là cô giáo, thầy giáo càng dễ lấy được tình cảm từ phía phụ huynh.
Đó là quan niệm thời ông bà ta thuở trước, còn hiện nay, nghề giáo đang dần trở thành một trong những nghề áp lực khiến nhiều giáo viên không còn mặn mà, dù trong thâm tâm vẫn còn yêu nghề.
Chị dâu tôi tốt nghiệp ngành Giáo dục mầm non, xin vào một trường tư thục của tỉnh làm việc. Chị đam mê nghề nuôi dạy trẻ từ thuở nhỏ nên quyết theo đuổi ước mơ đến cùng.
Công việc của giáo viên trường tư chịu khá nhiều áp lực. Hằng ngày, chị phải thức dậy từ 4h30, vượt qua quãng đường xa đến trường, cùng bảo mẫu lau dọn bàn ghế, sắp xếp đồ đạc cho phòng học gọn gàng, sạch sẽ. Đúng 6h, chị đứng lớp đón các bé và cúi chào phụ huynh một cách niềm nở.
Đặc biệt, hôm nào mệt mỏi vì bệnh, chị cũng phải nén hết vào trong, tươi cười cho đúng quy định của trường. Giáo viên cũng phải ăn nói ngọt ngào vì nếu gặp những phụ huynh khó tính, chị sẽ bị bắt bẻ. Phía nhà trường sẽ gọi lên khiển trách.
Dù mệt và áp lực là vậy nhưng vì yêu nghề, mỗi lúc nhìn thấy sự hồn nhiên của trẻ, bao mệt nhọc trong chị dần tan biến. Chị cũng mong ước có một đứa con khi đã lập gia đình được 2 năm.
Tin vui cuối cùng rồi cũng đến với cô giáo trẻ. Chị vô cùng hạnh phúc khi mỗi ngày mang trong người sinh linh bé nhỏ theo đến trường. Chị mong ước sau mỗi buổi lên lớp dạy dỗ các em những điều hay lẽ phải, đứa con trong bụng cũng dần phát triển thật tốt.
Vốn cơ địa nhạy cảm, sức khỏe yếu nên chỉ sau tháng đầu mang thai chị luôn trong tình trạng mệt mỏi, thiếu sức sống. Chị đến gặp ban giám hiệu nhà trường, trình bày về vấn đề sức khỏe. Đại diện nhà trường động viên, khuyên chị nên cố gắng vượt qua.
Sau những lần chăm sóc trẻ mang căn bệnh tăng động - thường la hét inh ỏi, đôi khi không làm chủ được bản thân nên đi vệ sinh tại chỗ, khiến chị mệt lả, không còn chút sức lực.
Một lần, khi một học sinh lao vào giành đồ chơi và cào cấu bạn, chị ngăn lại, bắt bé đứng khoanh tay vào góc lớp. Bé la hét, phản đối. Chiều hôm đó, chị đem sự việc trình bày với phụ huynh nhưng phụ huynh cáu gắt: “Con tôi bị bệnh, cô phải nhẹ nhàng. Nếu tôi chịu cảnh con mình bị phạt như thế, đâu bỏ số tiền lớn đem vào trường tư học?”.
Đó không phải là câu chuyện hiếm hoi khi những lần phụ huynh la lối, lớn tiếng với giáo viên ngày càng nhiều. Các thầy cô giáo từng tâm sự với nhau rằng, chỉ mong phụ huynh trả lại sự tôn nghiêm cho họ.
Những mệt mỏi thời thai kỳ cùng tâm lý căng thẳng, áp lực trong việc dạy học khiến chị không nuốt nổi cơm. Một hôm, trong lúc sắp xếp phòng học chị ngất xỉu phải nhập viện. Tâm trạng chị đau xót tột cùng khi hay tin mình sảy thai.
Chẳng thể chịu thêm áp lực, cùng đồng lương bấp bênh, chị nộp đơn xin thôi công việc đã gắn bó 5 năm từng là niềm tự hào, mơ ước của chị. Suốt chặng đường từ trường về nhà, chị òa khóc với quyết định của chính mình.
Thời gian đầu thôi việc, ở nhà nghỉ dưỡng, chị thường tâm sự với tôi không thể nào quên được công việc ấy. Có đêm, chị thấy hình dáng bao đứa trẻ với những đôi mắt tròn xoe, gương mặt bầu bĩnh ngây thơ, rồi đọc những bài thơ, lời hát dạy chúng trong tiềm thức.
Trải qua khoảng thời gian dài, hiện tại, tâm lý dần ổn định, chị mở một tiệm tạp hóa nho nhỏ tại nhà. Dù không khá giả nhưng chị cảm thấy thoải mái. Vậy nhưng, những khi có vài bé học sinh ghé mua hàng, chị chạnh lòng, nhìn tôi và nói trong tiếc nuối: “Phải chi lúc trước, nhận được sự cảm thông từ một số phụ huynh khó tính và đồng lương đủ sống giờ chị vẫn tiếp tục với nghề”.
Tôi chỉ biết động viên chị cố gắng an yên với công việc hiện tại, rồi chợt thấy thông cảm với nghề giáo hiện nay. Dù rằng có những trường hợp giáo viên vì những hành xử không đúng mực với học sinh đã gây bất bình trong xã hội nhưng đừng nên quy chụp tất cả giáo viên đều như nhau. Để một ngày, những thầy cô đành phải ngậm ngùi buông bỏ nghề đã gắn bó trong nuối tiếc.
Độc giả có thể chia sẻ câu chuyện của mình về email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy định. Xin cảm ơn!
Phan Thanh Cẩm Giang (Bạc Liêu)
‘Nghề giáo quá nguy hiểm, muốn yên thân chỉ biết… mặc kệ học sinh’Các giáo viên cho rằng, nghề giáo giờ đây là một nghề nguy hiểm. Thầy cô không còn bất kỳ thứ “vũ khí” nào khiến học sinh “thấy sợ mà học”. Để không mang vạ vào thân, cách duy nhất họ làm là… mặc kệ.