Sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên 44 cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo tóm tắt tờ trình dự thảo nghị quyết; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi báo cáo thẩm tra dự thảo.

202504170811058918_Z61_4529.jpg
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày báo cáo tóm tắt dự thảo nghị quyết. Ảnh: Quốc hội

Các đại biểu bày tỏ sự băn khoăn về việc áp dụng nghị quyết như thế nào trong bối cảnh Hải Phòng sẽ mở rộng quy mô diện tích sau khi sáp nhập với Hải Dương.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nhận định đây không phải là vấn đề riêng của Hải Phòng mà cả với TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa, là các tỉnh, thành có nghị quyết riêng về cơ chế chính sách đặc thù.

Ông Tùng đề nghị Đảng ủy Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về nguyên tắc tiếp tục thực hiện các nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đang áp dụng cho các tỉnh, thành thuộc diện sáp nhập, mở rộng diện tích địa giới hành chính trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ: “Các địa phương đã cho thí điểm cơ chế chính sách đặc thù đều là địa phương mạnh, giỏi, khỏe. Tuy nhiên, các địa phương nhập vào đều yếu hơn”.

Do đó, ông Định đồng tình với đề xuất của ông Tùng, để từ đó rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo, mở rộng an sinh xã hội.

202504170852593876_Z61_4710.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: QH

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, trong trường hợp Bộ Chính trị thông qua đề xuất này cùng với thời điểm kỳ họp thứ 9 thì Quốc hội sẽ quyết ngay được nguyên tắc áp dụng đồng bộ cho các địa phương đang thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù kể cả khi mở rộng diện tích sau sáp nhập.

Nhấn mạnh việc tinh gọn bộ máy hành chính là yếu tố quyết định cho sự phát triển của Hải Phòng trong 10-20 năm tới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; Trung ương, Quốc hội, Chính phủ kiến tạo và giám sát”.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tiếp thu ý kiến đóng góp, khẳng định sẽ báo cáo Chính phủ về việc áp dụng chính sách đặc thù, ưu đãi với các tỉnh, thành sau sáp nhập, nếu cần thiết sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị.

Đề xuất 6 nhóm chính sách lớn phát triển Hải Phòng

Theo dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đề xuất 6 nhóm chính sách lớn với 41 chính sách cụ thể để phát triển thành phố Hải Phòng:

Quản lý đầu tư - 2 chính sách; quản lý tài chính, ngân sách nhà nước - 4 chính sách; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường - 9 chính sách; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo - 8 chính sách; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Hải Phòng quản lý - 1 chính sách; thành lập và các cơ chế, chính sách trong Khu Thương mại tự do thế hệ mới tại thành phố Hải Phòng - 17 chính sách.