Báo cáo kết quả phiên giải trình “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/9, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu hàng loạt đề xuất, kiến nghị.
Không thực hiện bù chéo
Về giá điện, Ủy ban Kinh tế đề nghị Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường mua, bán điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; minh bạch giá mua bán điện.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. |
Có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia độc lập dưới sự kiểm soát của Nhà nước.
Đẩy mạnh cổ phần hóa các tổng công ty, các công ty nắm giữ các nhà máy điện thuộc tập đoàn Nhà nước (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam).
Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện đảm bảo các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng, khắc phục cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay.
“Xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá điện minh bạch do thị trường quyết định; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền; hoàn thiện cơ chế, chính sách, các công cụ có tính thị trường để đẩy mạnh sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Xây dựng biểu giá điện công khai, minh bạch, lấy ý kiến người dân để lựa chọn phương án phù hợp”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế cũng yêu cầu xây dựng cơ chế giá điện đột phá, điều chỉnh kịp thời với thị trường, xây dựng giá điện hai thành phần; có chính sách để phát triển hài hòa các công trình theo vùng, miền, đưa ra tín hiệu định hướng và thu hút nhà đầu tư.
Minh bạch, cạnh tranh bình đẳng
Theo Ủy ban Kinh tế, nguồn điện giai đoạn 2011 - 2019 có sự tăng trưởng mạnh, từng bước giảm tổn thất điện năng từ mức 10,15% vào năm 2010 xuống mức 6,5% vào năm 2019. Các hình thức điện nhập khẩu đã được đa dạng hóa. Bên cạnh đó, thị trường điện cạnh tranh phát điện, bán buôn bước đầu được hình thành và ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện.
Tuy nhiên theo Ủy ban Kinh tế, việc xây dựng, ban hành chính sách chưa đồng bộ với quy hoạch. Điển hình là các dự án điện mặt trời, trong nhiều năm không phát triển nhưng khi có chính sách giá khuyến khích năng lượng tái tạo thì chỉ trong thời gian ngắn đã có sự phát triển bùng nổ, vượt xa quy hoạch.
Quy hoạch dự báo, tính toán chưa chính xác, chưa lường trước được tình hình thực tế. Công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch còn bị động...
Đáng lưu ý là việc chưa bảo đảm sự cân đối giữa cơ cấu nguồn điện và lưới điện, đối mặt với nguy cơ thiếu điện. Nhiều dự án nguồn điện lớn, đóng vai trò quan trọng bị chậm tiến độ như Long Phú 1, Thái Bình 2, Vũng Áng 2…
“Sự phát triển chưa đồng bộ giữa nguồn điện, lưới điện và việc chậm tiến độ các dự án lớn dẫn đến thực tế công suất nguồn điện tại nhiều nơi còn dư thừa, chưa giải tỏa hết trong khi đó lại có nguy cơ thiếu điện cục bộ trên diện rộng”, ông Vũ Hồng Thanh lưu ý.
Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, cơ chế giá điện thiếu đột phá, chậm thay đổi, chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa có giá điện hai thành phần, giá mua điện theo miền, theo khu vực để đưa ra định hướng đầu tư và phát triển phụ tải.
Không những vậy, trong quá trình điều hành, chưa thực hiện được đầy đủ việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường; cơ cấu biểu giá bán lẻ điện còn duy trì bù chéo giữa khách hàng sản xuất với khách hàng sinh hoạt, thương mại.
Ủy ban Kinh tế kiến nghị, cần hướng đến thu hút nhà đầu tư theo vùng, miền, tạo sự hài hòa trong cơ cấu nguồn điện, lưới điện các vùng, miền trên cả nước. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân tham gia đầu tư các dự án điện; tạo sự minh bạch, cạnh tranh bình đẳng.
Ủy ban Kinh tế đề nghị khẩn trương rà soát, có giải pháp xử lý những vướng mắc trong thực hiện các dự án điện, nhất là các dự án có công suất lớn, dự án trọng điểm nhằm cung cấp đủ điện cho hệ thống, nhất là bảo đảm sự cân bằng trong nguồn điện giữa miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng lưới điện để giải tỏa tốt hơn công suất nguồn điện.
Thu Hằng
Bộ trưởng Công Thương: Chúng tôi cũng thấy tiếc khi chưa giảm được giá điện
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận thực tế hiện nay "giá điện chỉ có tăng chứ không có giảm" và cam kết đến năm 2024 giá điện có tăng, có giảm.