Vàng SJC và vàng nhẫn cùng lao dốc
Phiên giao dịch chiều 22/3, giá vàng miếng 9999 trượt dốc giảm mạnh, từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi lượng so với kết phiên trước đó, còn 77,8-79,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và 77,5-79,5 triệu đồng/lượng tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI.
Tổng cộng, chỉ sau hai ngày, giá vàng miếng SJC giảm 2,3 triệu đồng ở chiều mua và giảm 2 triệu đồng ở chiều bán ra. Mức chênh giữa giá vàng thế giới - giá vàng trong nước còn 14,6 triệu đồng (tính theo tỷ giá ngân hàng).
Kéo theo đó, giá vàng nhẫn trong nước cũng giảm mạnh, mất mốc 70 triệu đồng/lượng.
Về lý do khiến giá vàng SJC và vàng nhẫn đồng loạt lao dốc, chia sẻ với PV. VietNamNet, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có thể do vấn đề tâm lý. Khi người dân và nhà kinh doanh vàng nhận được tín hiệu từ cơ quan quản lý về việc sửa đổi cơ chế độc quyền của vàng SJC, thị trường lập tức hạ nhiệt, giá mua - bán được điều chỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, nếu không có những quyết định quan trọng về sửa đổi Nghị định 24, thị trường sẽ chỉ hạ nhiệt thời điểm này rồi sẽ “bùng” trở lại vì giá vàng thế giới vẫn trong xu hướng tăng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng, chỉ cần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xóa bỏ độc quyền, chưa cần biết có cho nhập khẩu vàng hay không, giá vàng sẽ lập tức giảm đến 5 triệu đồng mỗi lượng, chứ không chỉ giảm như mức hiện nay.
Ông Hùng nhấn mạnh, phải có giải pháp cụ thể mới bình ổn được thị trường vàng.
“Nếu không có biện pháp thực thi trên thị trường thì những điều tiết hiện nay chỉ có tính chất tạm thời, giá vẫn sẽ tiếp tục chênh lệch.
Thị trường vàng thế giới đang ở chu kỳ đi lên. Khi các ngân hàng có động thái cắt giảm lãi suất, đồng USD sẽ mất giá. Ai đầu cơ USD sẽ bán ra và mua lại các tài sản đảm bảo khác, chủ yếu là vàng. Cùng với việc các quỹ lớn bắt đầu mua, các nước như Nga, Trung Quốc... cũng tăng dự trữ vàng. Những sức mua này sẽ đẩy giá vàng đi lên”, vị chuyên gia phân tích.
Do đó, nếu không có giải pháp sửa đổi căn cơ, thị trường vàng trong nước sẽ không có thay đổi lớn, giá lại lên theo giá thế giới.
Đáng chú ý, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các nhà đầu tư vẫn có thể xem xét mua vàng trong lúc này, khi giá vàng thế giới và trong nước vẫn đang trong xu hướng tăng.
“Giá vàng trong nước có hiện tượng giảm 1-2 ngày qua, nhưng theo tôi, có thể chỉ giảm tạm thời vì vấn đề tâm lý trước những chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có sự thay đổi nào, nhất là Nghị định 24. Giá giảm tạm thời cũng là cơ hội để nhà đầu tư mua vào”, ông Hiếu nói.
Có giải pháp nào nếu không bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng?
Trả lời câu hỏi này, trao đổi với PV. VietNamNet, ông Nguyễn Thế Hùng nói: Nếu không xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng thì sẽ không có giải pháp nào để ổn định thị trường.
“Phải tách bạch về quản lý nhà nước. NHNN chỉ quản lý về ngoại hối, làm thế nào điều tiết được dự trữ ngoại hối bằng vàng hoặc ngoại tệ; còn cơ quan này lại can thiệp cả chuyện sản xuất bao nhiêu vàng miếng bán ra thị trường. Phải bỏ độc quyền mới giảm được chênh lệch giá vàng với thế giới”, ông Hùng khẳng định.
Theo ông, không nên quan trọng hóa vàng miếng. Nên coi vàng miếng cũng như các mặt hàng vàng khác có chất lượng tương đương, vàng miếng cũng giống như vàng nhẫn 9999. Hay người dân có thói quen mua vàng miếng vì dễ tích trữ, dễ bảo quản và thành tập quán, cần phải thay đổi.
Vị Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng lưu ý, nên có chính sách phù hợp. Không cho nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng nhưng trước mắt cần cho nhập khẩu để sản xuất vàng trang sức bởi loại vàng này xuất khẩu được.
“Muốn lưu thông với thế giới phải nhập khẩu, phải có nguồn nguyên liệu. Muốn nhập khẩu phải cấp quota, lại cơ chế xin - cho như trước thì cũng khổ doanh nghiệp. Do đó, không nên kiểm soát bằng số lượng nhập khẩu mỗi năm mà nên kiểm soát việc doanh nghiệp có ngoại tệ để nhập khẩu không. Như thế, tỷ giá mới ổn định được”, ông Hùng cho hay.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, nếu không xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ rất khó để ổn định thị trường vàng trong nước.
“Nếu NHNN không đưa ra giải pháp, không gỡ bỏ thương hiệu vàng quốc gia của SJC, tôi e rằng, thị trường sẽ tiếp tục biến động", ông lo ngại.
Vị chuyên gia lưu ý, NHNN nên giao việc nhập khẩu vàng cho những nhà kinh doanh vàng có uy tín, có khả năng. NHNN có thể giao quota để những đơn vị đó nhập khẩu vàng theo chỉ đạo của NHNN.
Trước mắt, nếu Nghị định 24 chưa điều chỉnh mà muốn ổn định thị trường vàng thì cần nhập khẩu vàng dồi dào hơn để đáp ứng nhu cầu và cân bằng thị trường.
Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 24, có ý kiến cho rằng nên bổ sung quy định biên độ chênh lệch song theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, điều này là không cần thiết, hãy để thị trường tự điều chỉnh.
Ông lý giải, nếu giới hạn chênh lệch giữa giá mua - giá bán, giới hạn chênh lệch giữa giá vàng thế giới - giá vàng trong nước dẫn đến nguy cơ tăng buôn lậu về vàng.
Còn ông Nguyễn Thế Hùng phân tích, chênh lệch giữa giá mua - bán hiện nay do doanh nghiệp, phải giãn rộng ra để phòng ngừa rủi ro. Vì thế, không thể quy định biên độ, không thể áp dụng biện pháp hành chính để quản lý giá được. Ngay cả Pháp lệnh về giá cũng không quy định.