Chiều 9/10, Bộ chỉ huy quân sự (Bộ CHQS) tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị trao đổi thông tin về việc nâng cao cảnh giác trong công tác phòng chống mạo danh, giả danh lực lượng quân đội để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xuất hiện nhiều vụ việc các đối tượng tự xưng là chiến sĩ lực lượng quân đội đang công tác tại Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS huyện, thành phố để đặt tiệc, mua cây giống, phân bón, quà tặng,… Những đối tượng này thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, gây mất an ninh trật tự địa phương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của lực lượng vũ trang trên địa bàn.
Cụ thể, theo báo cáo từ Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai, từ tháng 7 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra hơn 12 trường hợp mạo danh lực lượng quân đội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong nhân dân. Các đối tượng thường tìm các thông tin cửa hàng ở dọc các tuyến đường và gọi điện thoại, nhắn tin để hù doạ, lừa đảo người dân. Các đối tượng còn tìm đến các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook rồi đăng hình ảnh có mặc quân phục của quân đội để tạo lòng tin trong nhân dân.
Tại hội nghị, Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai cũng phối hợp với các đơn vị liên quan cũng yêu cầu người dân nâng cao cảnh giác với loại tội phạm này. Ngoài ra, cần tìm hiểu và xác minh thông tin trước khi thực hiện giao dịch, nếu có dấu hiệu nghi vấn cần báo ngay cho cơ quan công an, quân sự qua số đường dây nóng để có hướng dẫn xử lý kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản.
Ông Võ Hoàng Khai, Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Đồng Nai cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa vào hoạt động tổng đài 156 để tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
“Khi người dân hoặc lực lượng quân đội phát hiện số điện thoại có dấu hiệu lừa đảo có thể gọi miễn phí phản ánh đến tổng đài này. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ có biện pháp xác minh, sàng lọc và xử lý theo quy định”, ôn Khai nói.
Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Vũ Văn Điền, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai cho hay, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp, hành pháp để tuyên truyền về các mức độ và hành vi của những đối tượng lừa đảo, từ đó đưa ra các hình thức xử lý vi phạm để răn đe, không để tình trạng này tiếp diễn.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn các đối tượng lừa đảo để mỗi người dân nâng cao cảnh giác hơn.