Nạn quảng cáo cờ bạc trực tuyến là một trong những vấn đề được Văn phòng Bộ TT&TT đặc biệt lưu ý trong thông tin chia sẻ với báo chí tại cuộc họp báo ngày 5/6.
Cụ thể, Văn phòng Bộ TT&TT cho biết, tình trạng livestream quảng cáo ứng dụng khiêu dâm, cờ bạc trên nền tảng mạng xã hội ngày càng nở rộ và diễn ra một cách ngang nhiên trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, hiện tượng một số bộ phim ngắn với nội dung giang hồ mạng, công chiếu trên nền tảng YouTube và tình trạng các xe dịch vụ dán decal quảng cáo công khai cho website cờ bạc cũng đã được các cơ quan báo chí phản ánh và ghi nhận.
Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, cảnh báo tới người dân. Đồng thời, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ TT&TT cũng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để có biện pháp xử lý nghiêm hiện tượng này.
Khẳng định Bộ TT&TT đã và đang đấu tranh quyết liệt với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, Văn phòng Bộ thông tin thêm, trong thời gian từ ngày 15/4/2023 đến ngày 15/5/2023, theo yêu cầu của Bộ TT&TT, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 399 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức, đạt tỷ lệ 91%; Google đã gỡ 1.901 video vi phạm trên YouTube, đạt tỷ lệ 94%; và TikTok đã chặn, gỡ bỏ 51 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, đạt tỷ lệ 98%.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được Bộ TT&TT tập trung trong tháng 6 này là tiếp tục triển khai kiểm tra toàn diện hoạt động của Tiktok tại Việt Nam.
Trước đó, trong báo cáo Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ TT&TT đã thông tin về những giải pháp sẽ triển khai thời gian tới, trong đó có việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về các giải pháp quản lý thuật toán của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, đặc biệt là Tiktok; từ đó, đề xuất các giải pháp triển khai tại Việt Nam như siết chặt quản lý, yêu cầu cung cấp các thuật toán gợi ý nội dung cho Chính phủ để giám sát việc thu thập dữ liệu, chống gây nghiện, điều hướng thông tin đến người dùng…
Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên môi trường mạng, nhất là trên các nền tảng xuyên biên giới. Duy trì tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung xấu độc ở mức cao; nghiên cứu, phát triển các công cụ tự động rà quét các hành vi vi phạm về quảng cáo xuyên biên giới; tổ chức thực hiện, phối hợp rà quét, xử lý các nghệ sĩ, KOLs vi phạm pháp luật sau khi Bộ VHTT&DL ban hành Quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật…