Phát biểu tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020 hôm nay, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận trong thành tựu chung của cả nước trong năm qua có đóng góp trực tiếp, quan trọng của công tác xây dựng thể chế, tổ chức thi hành pháp luật và các mặt của công tác tư pháp.

{keywords}
Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2020

Phó Thủ tướng đánh giá, Bộ Tư pháp đã khẳng định được vị trí, vai trò ngày càng quan trọng trong công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức thi hành và theo dõi tình hình thi hành pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tập trung và hiệu quả hơn.

Công tác thi hành án dân sự đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ; đã thi hành xong gần 53 nghìn vụ (tăng 52,77% so với năm 2018). Đặc biệt, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm.

Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành, địa phương đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết số lượng lớn hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam, hồ sơ đăng ký khai sinh bảo đảm tối đa quyền lợi của người dân và trẻ em…

Phải làm tốt vai trò “gác gôn”

Phó Thủ tướng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của ngành Tư pháp. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý vẫn còn những vướng mắc, bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của Chính phủ và người dân.

Năm 2020 đặt ra yêu cầu mới, thách thức mới cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là rất nặng nề. Phó Thủ tướng thường trực đề nghị tập trung chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt 6 nhiệm vụ.

Cụ thể, ngành Tư pháp cần tiếp tục làm tốt hơn vai trò của mình trong thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành quy định pháp luật để phục vụ mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý mọi mặt kinh tế - xã hội bằng pháp luật.

{keywords}
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình: Bộ Tư pháp tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ xử lý tốt các vấn đề pháp lý quốc tế, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế

Bộ Tư pháp cần chủ động tham gia và tích cực đóng góp vào việc định hình “luật chơi” tại các thể chế pháp lý quốc tế đa phương.

“Các đồng chí cần tiếp tục làm tốt vai trò 'gác gôn' để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật”, Phó Thủ tướng căn dặn ngành Tư pháp chú trọng hơn nữa chất lượng công tác thẩm định, góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Trong đó, tăng cường rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, tinh chỉnh hệ thống pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ, tính thống nhất, minh bạch và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật, giảm thiểu tối đa chi phí tuân thủ pháp luật.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đổi mới phương thức thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; cần tập trung chỉ đạo ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật 100% đối với các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực.

Tổ chức, thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc theo dõi thi hành án hành chính đối với 100% bản án, quyết định hành chính của tòa án; xử lý nghiêm trách nhiệm chủ tịch UBND, UBND các cấp không chấp hành án hành chính nhằm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính.

{keywords}
Các đại biểu dự hội nghị

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, Bộ Tư pháp tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ xử lý tốt các vấn đề pháp lý quốc tế, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế.

Đồng thời, phối hợp cùng với Bộ KH- ĐTđề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các khiếu nại, tranh chấp đầu tư.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý, cần chú trọng hơn nữa công tác tổ chức, xây dựng ngành, đào tạo cán bộ trước yêu cầu phát triển mới của đất nước; phòng ngừa các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá, đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, các biểu hiện tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong thời gian qua, có những địa phương, số lượng án hành chính lớn nhưng chủ tịch UBND và người đại diện của UBND vẫn bố trí tham gia tố tụng nghiêm túc như: Đồng Tháp trong 142 vụ, chủ tịch UBND và người đại diện của UBND tham gia 100% phiên đối thoại và tham gia 96,5% phiên tòa; Tiền Giang trong 102 vụ, chủ tịch UBND và người đại diện của UBND tham gia 98% phiên đối thoại và phiên tòa; Vĩnh Phúc trong 75 vụ, chủ tịch UBND và người đại diện của UBND tham gia 97,4% phiên đối thoại và phiên tòa...

Trong 3 năm 2017-2019, có 1.052 bản án hành chính, trong đó 713 bản án được UBND, Chủ tịch UBND các cấp thi hành, chỉ đạo thi hành xong, đạt tỷ lệ 68%. Số chưa thi hành xong: 339 bản án, chiếm tỷ lệ 32%.

Bên cạnh đó, việc thi hành án hành chính ở không ít địa phương vẫn chưa được UBND, chủ tịch UBND các cấp quan tâm, thực hiện nghiêm túc. Trong đó vẫn còn tình trạng UBND, chủ tịch UBND không thực hiện, thực hiện không đầy đủ việc cung cấp hồ sơ, tài liệu vụ việc hành chính bị khởi kiện, không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa theo triệu tập.

Khi bản án hành chính có hiệu lực thi hành, người phải thi hành án là UBND, chủ tịch UBND tiếp tục trì hoãn, không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ nội dung bản án tuyên.

Thu Hằng

UBND Đà Nẵng thua kiện vì quyết định thu hồi đất vàng

UBND Đà Nẵng thua kiện vì quyết định thu hồi đất vàng

TAND TP Đà Nẵng tuyên công ty Vipico thắng kiện trong vụ kiện quyết định hành chính của UBND TP về việc hủy kết quả đấu giá lô đất vàng đường Võ Văn Kiệt.