Theo thông tin chủ quán bánh xèo chủ cố tình sử dụng bạo lực đối với cháu T.Q.D (14 tuổi, nhân viên quán bánh xèo nhằm răn đe gây ra nhiều thương tích trên cơ thể cháu D. như các vết thương trên mặt và tay chân, các vết kim trên lưng do bị cào vẩy cá đánh vào...

Trường hợp sử dụng người lao động 14 tuổi tham gia lao động vi phạm quy định nào của pháp luật lao động? Đối với bạo hành người lao động trẻ em gây thương tích như thông tin nêu trên mức xử phạt thế nào?

{keywords}
Xử phạt nặng với hành vi bạo hành trẻ em (ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Căn cứ pháp lý  sử dụng người lao động dưới 15 tuổi:

Điều 163 Bộ luật lao động 2012

Điều 296 Bộ luật Hình sự 2015 Sửa đổi 2017

Điều 19 Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ.

Bộ luật lao động 2012 tại Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm

7. Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.

Bộ luật lao động quy định cấm trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc, trừ một số nghề và công việc do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định.
Đối với ngành nghề và công việc được nhận trẻ em chưa đủ 15 tuổi vào làm việc, học nghề, tập nghề thì việc nhận và sử dụng trẻ em này phải có sự đồng ý và theo dõi của cha mẹ hoặc người đỡ đầu.

Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH ban hành Danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc người sử dụng lao động được phép sử dụng lao động dưới 15 tuổi trong các công việc sau: nghề truyền thống: chấm men gốm, cưa vỏ trai, vẽ tranh sơn mài, làm giấy dó, nón lá, se nhang, chấm nón, dệt chiếu, làm trống, dệt thổ cẩm, làm bún gạo, làm giá đỗ, làm bánh đa (miến), làm bánh đa Kế; nghề thủ công mỹ nghệ: thêu ren, mộc mỹ nghệ, làm lược sừng, đan lưới vó, làm tranh Đông Hồ, nặn tò he; đan lát, làm các đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên như: mây, tre, nứa, dừa, chuối, bèo lục bình; nuôi tằm; gói kẹo dừa).

Như vậy, căn cứ theo các quy định trên thì trường hợp em bé 14 tuổi làm việc tại quán ăn là vi phạm quy định pháp luật về sử dụng lao động chưa thành niên.

Nghị Định 95/2013/NĐ-CP Điều 19. Vi phạm quy định về lao động chưa thành niên

1. Phạt cảnh cáo đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập sổ theo dõi riêng khi sử dụng lao động chưa thành niên hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng người dưới 15 tuổi mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật;

b) Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại Khoản 2 Điều 163 của Bộ luật lao động;

c) Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ một số nghề, công việc được pháp luật cho phép.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng lao động là người chưa thành niên làm công việc, tại nơi làm việc bị cấm sử dụng theo quy định tại Điều 165 của Bộ luật lao động;

b) Sử dụng người dưới 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 164 của Bộ luật lao động.

Trường hợp vi phạm quy định về sử dụng người chưa thành niên làm công việc nặng nhọc nguy hiểm thì có thể xem xét xử lý hình sự theo Điều 296 Tội vi phạm quy định về sử dụng người lao động dưới 16 tuổi 

1. Người nào sử dụng người lao động dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

Trong trường hợp này cháu D chưa đủ 15 tuổi, việc chủ nhà sử dụng lao động dưới 15 tuổi  là vi phạm quy định của pháp luật lao động.

Đối với  hành vi bạo hành gây thương tích đối với cháu D 

Tùy theo kết luận điều tra vụ việc mà có thể xem xét theo Điều 134, 140 Bộ luật Hình sự  Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

Điều 140. Tội hành hạ người khác

1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc

Trường hợp không được cấp sổ đỏ

Trường hợp không được cấp sổ đỏ

Nhờ luật sư giải thích giúp những trường hợp đất đai không được cấp sổ đỏ. Cảm ơn luật sư.