Nghệ sĩ không khán giả thì diễn cho ai?
Dưới bài viết “Xuân Bắc hay khán giả, ai mới là người 'ăn cháo đá bát’?”, bạn đọc Tùng Nguyễn nêu vấn đề: “Khán giả cũng có người này người kia. Nhưng nếu nói họ 'ăn cháo đá bát' thì có khách quan hay không? Người nghệ sĩ có hay có dở, vở kịch hay có dở có, có chương trình thành công, có cái thất vọng. Liệu sân khấu không người thì đi về đâu? Nghệ sĩ không khán giả diễn cho ai?”.
Bạn LamThanh hài hước đặt câu hỏi: “Táo Quân là chương trình gì vậy? Hên là mình chưa từng phải phí thời gian để xem mấy chương trình tào lao như vậy… chứ xem xong mà chê là bị mắng là vô ơn nữa”.
Trong khi đó, nhiều độc giả bày tỏ sự thất vọng với những chia sẻ của NSƯT Xuân Bắc trên MXH. Độc giả Việt Bùi chia sẻ: “Các cụ có câu ‘thức lâu mới biết đêm dài’, giờ phút này bộc lộ văn hoá ứng xử của 1 nghệ sĩ”. Hay bạn Eyesore cho rằng: “Nghệ sĩ là người của công chúng, phục vụ công chúng và tri ân công chúng. Công chúng có thể yêu thích, khen chê, cảm ơn nghệ sĩ về những tiết mục họ biểu diễn, nhưng chửi xéo khán giả 'ăn cháo đá bát' là cuồng ngôn”...
Có quy tắc ứng xử của nghệ sĩ
“Không ngờ một NSƯT mà có phát ngôn, cách nhìn thiển cận như vậy. Không ai xem thì nghệ sĩ sống bằng gì?” là điều độc giả Nông Dân thắc mắc.
Độc giả Anh Vũ lại đặt vấn đề: “Tôi thấy Bộ Văn hoá ra quy tắc ứng xử của nghệ sĩ, vậy xin hỏi phát ngôn ngông cuồng, thiếu tôn trọng khán giả liệu có bị sao không? Bộ Văn hoá và Cục NTBD cần lên tiếng nhắc nhở nghệ sĩ này”. Trong khi đó, James Dory nêu quan điểm: “Nghệ sĩ Việt khi được tôn vinh đều không ngại đốp chát với dư luận. Bởi vì Việt Nam chưa có văn hoá tẩy chay đúng nghĩa và cũng vì thần tượng thái quá, mù quáng. Nếu có quy định phong sát, người của công chúng sẽ biết cư xử hơn”.
Đây cũng là suy nghĩ của nhiều độc giả. Bạn BH Giatsay cho rằng, “ở Việt Nam mình dễ, chứ ở nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, nghệ sĩ phát ngôn như thế này bị phong sát lâu rồi. Miệt thị người xem, trong khi người xem đang coi trọng nghệ sĩ”.
Bạn đọc có địa chỉ email ***mail.com chia sẻ: “Nhiều nghệ sĩ của chúng ta, trong đó có Xuân Bắc, đang ở tầng văn hóa thấp so với mặt bằng dân trí chung. Đáng tiếc là nhiều người không nhận ra điều đó. Và thật buồn khi những người như Xuân Bắc đang làm công tác văn hóa văn nghệ, mà lại còn là lãnh đạo một đơn vị nghệ thuật của Thủ đô”.
Trong khi đó, bạn Vũ Tuấn đặt câu hỏi: “Chúng tôi có đá bóng giỏi đâu mà xem thì vẫn khen chê; đi chợ mua đồ ăn ngon hay không ngon cũng khen chê. Tivi mỗi tháng khán giả mua thuê bao vài trăm, chứ có xem không đâu. Táo Quân cũng thế, diễn viên có lương, đi tập có thêm tiền bồi dưỡng, chứ có phải diễn từ thiện đâu mà Xuân Bắc ngạo mạn, xem thường người xem thế?”. Theo bạn Tin Dung, “diễn viên, nghệ sĩ rất vất vả nhưng chưa chắc sản phẩm của họ đã là hay. Rất tiếc cho những phát ngôn của Xuân Bắc. Anh này có lẽ tự bắt đầu kết thúc sự nghiệp nghệ thuật của mình một cách đáng buồn và có thể là dại dột nữa”.
Phải tiếp thu, học hỏi mới khá được
Đó là quan điểm của độc giả Ngọc Kỳ Nguyễn. Theo bạn, “mọi thứ cần phải tiến bộ và sâu sắc hơn mới đúng, nên tránh nhàm chán, mất tính xây dựng và phê bình. Có cầu thị, tiếp thu, học hỏi mới khá được”. Đồng quan điểm, bạn Trịnh Hà cho rằng: “Chê cũng phải chê cho khéo và khi bị chê nên khiêm tốn nhận và xem xét rút kinh nghiệm. Khi anh là NSƯT thì ưu tú với ai, mong Xuân Bắc hiểu”.
Độc giả Do Van Khoa chia sẻ góc nhìn của mình: “Nếu thật sự Xuân Bắc sáng tạo ra truyện ngụ ngôn này thì nên suy xét lại. Ở thế kỷ này, thời đại công nghệ 4.0 hình như cái gì cũng khắt khe, kỹ càng và chặt chẽ hơn. Vì vậy không nên đơn giản quá để rồi đi quá xa so với những gì mình suy nghĩ.
Dàn diễn viên diễn rất hay. Hình như chất lượng kịch bản chưa theo kịp sự sáng tạo và nhiệt huyết của dàn diễn viên. Nên chăng tác giả kịch bản, dàn diễn viên cần ngồi lại cùng nhau tìm điểm nhấn, nhặt sạn và làm tăng những khía cạnh vừa bi, vừa hài trong kho tư liệu xã hội mà những năm qua ai cũng thấy rành rành... Cái gì cũng có hai mặt của nó, khen chê âu cũng là chuyện bình thường”.
Bạn Nguyen Hung lại có quan điểm hoàn toàn khác: “Táo Quân là chương trình hài phê phán nhẹ nhàng, lịch sự nhưng thâm thúy. Nó sẽ không phù hợp với bộ phận khán giả thích xem chửi bới, đả kích. Tôi thấy chương trình năm nay hay, đề cập nhiều vấn đề mà vẫn bị chê bai thì các nghệ sĩ cũng ấm ức, tủi thân thật”.
Độc giả Thanh Loan cũng có cái nhìn tương tự: “Thật sự là cũng không nên phủi tay chê bai công sức của cả ê-kíp! Người ta cũng mất bao nhiêu công sức chứ có phải đơn giản đâu”. Bạn đọc có tên Mèo Ú cho rằng: “Đồng ý là Táo Quân thành bại hay không là cảm nhận của các bạn… Nhưng điều đó không có nghĩa là các bạn thích nói gì thì nói. Mình thấy Xuân Bắc viết vậy không sai đâu”.
Lê Cúc (tổng hợp)