Chương trình quy tụ dàn nghệ sĩ tên tuổi như NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Xuân Bắc, NSND Tự Long, Đàm Vĩnh Hưng…
Chương trình tri ân nhà thơ Hữu Thỉnh được chia làm hai phần: lễ và nhạc. Xuyên suốt chương trình, khán giả được thưởng thức nhạc và thơ của ông như: Ngôi nhà của mẹ, Phan Thiết có anh tôi, Hoá thạch những dòng sông, Nghe tiếng cuốc kêu… Lần đầu tiên, các nghệ sĩ sân khấu như Xuân Bắc, Tự Long, Lê Khanh, Lan Hương đã thổn thức với những vần thơ đầy xúc động của tác giả Sang Thu.
Sau khi ngâm những dòng thơ Ngôi nhà của mẹ bài thơ được yêu thích nhất của Hữu Thỉnh, NSND Lê Khanh chia sẻ: “Hôm nay cũng là ngày của mẹ, tôi may mắn lại được đọc những vần thơ Ngôi nhà của mẹ. Bài thơ giản dị, ngắn gọn nhưng lại vô cùng xúc động gợi cảnh gợi tình, gợi cả chiều không gian lịch sử chắc chắn bao nhiêu những kỷ niệm của những người đi chiến trường, những người có con đi lính hoặc những người hậu phương.
Bất kể những ai khi nghe bài thơ này cũng đều rung động, một ngôi nhà thơm, ấm từ ngọn lửa, cái chõng tre mẹ ngồi khâu áo, chẻ lạt. Những vần thơ rất dung dị và mộc mạc, khi thể hiện nó trên sân khấu, không ít lần tôi đã ngăn giọt nước mắt vì bài thơ chạm vào trái tim tôi về hình ảnh của người mẹ của tôi và là chính tôi một người mẹ của gia đình mình”.
Sau những vần thơ thân thương và đầy trìu mến của mẹ do NSND Lê Khanh thể hiện, NSND Tự Long cũng thả cảm xúc trong những vần thơ Phan Thiết có anh tôi. Ở hậu trường, NSND Tự Long bày tỏ, anh đã đẩy hết cảm xúc của mình trong từng vần thơ của Hữu Thỉnh. Qua mỗi câu thơ anh thấu cảm được tình yêu và nỗi nhớ của tác giả về mảnh đất thân yêu Phan Thiết.
Có mặt trong đêm thơ, NSƯT Xuân Bắc cũng thả hồn mình với bài thơ Hoá thạch những dòng sông. Là một nghệ sĩ hài dày dặn kinh nghiệm trên sân khấu với nhiều mảng miếng hài trên sân khấu song Xuân Bắc đem lại nhiều cảm xúc chân thật qua phần đọc thơ của mình. Tất cả những rung động chân phương của người nghệ sĩ qua mỗi vần thơ dung dị càng khiến không gian thơ như rộng và dài hơn bao giờ hết.
NSND Lan Hương đầy dồn nén trong bài thơ Nghe tiếng cuốc kêu. Dưới ánh đèn rọi xuống, cả khán đài bỗng chìm đắm vào những lời thơ như vọng lại từ quá khứ. Nghe tiếng cuốc kêu ám ảnh người nghe để ngẫm, để nghĩ về một thời đầy gian nan.
Ngoài ra, những ca khúc được phổ từ thơ của ông như: Ngẫu hứng hai nhà; Lời mẹ; Biển, nỗi nhớ và em; 5 anh em trên một chiếc xe tăng… cũng lần lượt đưa khán giả đến những cảm xúc thăng hoa nhất. Đặc biệt, sự xuất hiện của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã đem đến màu sắc mới lạ cho đêm nhạc. Anh thể hiện hai bài hát Sang thu cùng Biển, nỗi nhớ và em, nhận được sự cổ vũ của đông đảo khán giả.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần xây dựng cho nền văn học nước nhà.
Trong sự xúc động, nhà thơ Hữu Thỉnh bày tỏ: “Đây không chỉ là vinh dự đặc biệt của tôi mà còn là sự khích lệ chung đối với giới văn học cả nước. Để tôi có được ngày hôm nay đó là kết quả của sự giáo dục, dìu dắt của Đảng; sự ủng hộ hết lòng của bạn bè, đồng nghiệp; sự giúp đỡ hết mình của các cơ quan hữu quan…".
Nhà thơ Hữu Thỉnh sinh năm 1942, tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh, bút danh Vũ Hữu. Ông nguyên là Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam và đại biểu Quốc hội khoá X và XI.
Trong sự nghiệp, nhà thơ Hữu Thỉnh từng được trao nhiều giải thưởng như: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980 với Trường ca Đường tới thành phố, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995 với tập thơ Thư mùa đông, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 1999, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt IV năm 2012.
Bài, clip: Trần Đạt