Cuộc đua xe máy điện tại Việt Nam vừa xuất hiện thêm một nhân tố mới là Selex Motors, vốn là một công ty khởi nghiệp (startup) của người Việt ra đời từ năm 2018, nhưng đến nay mới chính thức ra mắt sản phẩm thương mại đầu tiên mang tên Camel.

Selex Camel được thiết kế cho mục đích chở hàng và cả di chuyển cá nhân. Xe được bán ra từ cuối tháng 11 với giá 21.890.000 đồng (chưa bao gồm thuế Vat, pin và thùng chở hàng).

Giá bán và chính sách sử dụng của Selex Camel có nét tương đồng với mẫu xe VinFast Evo200 (ra mắt cuối tháng 9 với giá 22 triệu đồng chưa bao gồm pin). Tuy nhiên, thay vì thuê pin thì Selex Motors cung cấp các gói đổi pin.

Cụ thể, Selex Camel áp dụng chính sách đổi pin tại các cây ATM pin phân bổ ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM với 4 gói: Economy, Saving, Super Saving và Max Saving. Chi phí trọn gói từ 1,4 triệu đến 3,8 triệu đồng và người dùng sẽ được cung cấp 2-3 cụm pin tuỳ theo gói dịch vụ.

Giá 4 gói dịch vụ đổi pin của Selex Motor

Theo Ts.Nguyễn Hữu Phước Nguyên, CEO của Selex Motors, nhóm khách hàng công ty hướng đến đầu tiên là các tài xế vận chuyển hàng hóa nên mô hình trạm đổi pin là hoàn toàn phù hợp.

"Người dùng chỉ mất chưa đến 2 phút để đổi pin tại các cây ATM pin tự động. Hơn nữa việc kiểm tra vị trí trạm pin, tình trạng pin sạc ở trạm, lịch sử sử dụng..., thậm chí khóa xe từ xa đều có thể sử dụng trên app điện thoại. Cực kỳ tiện lợi và quen thuộc với các tài xế công nghệ", CEO Nguyên nói.

Selex Motors ước tính chi phí dùng xe điện sẽ rẻ hơn từ 25% đến 50% so với xe máy chạy xăng. Ví dụ như gói Economy chỉ tương đương 467 đồng/km, gói Super Saving tương đương 400 đồng/km.

Trong khi đó, cùng có giá bán tương đương, mẫu xe VinFast Evo200 đang có chi phí là 635 đồng/km (Dựa trên công thức tính cho gói thuê pin không giới hạn 350.000 đồng/tháng, cộng thêm tiền điện).

Selex Camel thiết kế để tối ưu chở hàng với giỏ phía trước, yên dài phía sau

Selex Camel được thiết kế khung xe dạng scooter với phần sàn và dưới yên đều có khoang chứa pin, để được tối đa 3 pack pin Lithium i-on. Khi không chở hàng, yên sau xe có thể tháo lắp để dùng loại chở người.

Tổng trọng lượng của Selex Camel vào khoảng 84 kg, nhẹ hơn 15 kg so với Vinfast Evo200, đồng thời khả năng chịu tải của xe lên đến 225 kg (Evo200 là 130 kg) cho thấy sự khác biệt về mục đích sử dụng.

Được coi là xe máy điện "bán tải", Selex Camel sử dụng treo sau là 2 thụt lò xo, phía trước dạng ống lồng, đồng thời trọng tâm xe thấp nên khá dễ dàng sử dụng, nhất là khi phải chở theo thùng hàng lớn. 

Chính vì ngoại hình đặc biệt nên khi gắn yên chở người, Selex Camel khó có thể gây ấn tượng thẩm mỹ như các xe điện Pega S, Vinfast Feliz, Vinfast Evo200. Thậm chí vì có khung hở nên người dùng dễ quan sát được một số điểm mối hàn chưa đẹp.

Xe dùng công nghệ đèn LED trước và sau
Đuôi xe nhiều khoảng trống với mục đích chở theo thùng hàng hoặc ba-ga chở đồ.
Gi đông xe nhỏ với một màn hình đơn sắc chính. Trên tay lái có nút P được coi như khoá an toàn, xe chỉ chạy khi đã tắt nút này.
Một pack pin của xe có trọng lượng 7kg. Selex Camel để tối đa được 3 pack pin.
Selex Camel khi gắn thêm thùng chở hàng dành cho các shiper chuyên nghiệp.

Camel lắp môtơ điện ở bánh sau, công suất 4 mã lực. Khi gắn đủ 3 pack pin đã sạc đầy, xe có phạm vi hoạt động khoảng 150 km, tốc độ tối đa 60 km/h, khả năng leo dốc 14 độ và 3 chế độ lái: Eco, Normal và Sport. 

Trước Selex Motors, một số hãng xe đã xây dựng ý tưởng trạm đổi pin nhưng đã từ bỏ như Mbigo (đã rút khỏi Việt Nam) hay Vinfast. Hiện tại công ty đã lắp được 20 trạm ở Hà Nội và dưới 10 trạm ở TP.HCM. Mục tiêu các trạm sẽ tăng lên tương đồng với số lượng sản xuất.

Đây chính là điểm khác biệt tạo nên ưu thế của Selex Motors nhưng cũng là thách thức không nhỏ bởi sẽ làm tăng chi phí đầu tư, đòi hỏi doanh nghiệp phải trường vốn mới có thể dần thay đổi thói quen của người tiêu dùng.

Đình Quý

Bạn có bình luận thế nào về mẫu xe máy điện trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!