Mới đây, một người đàn ông ở TP.HCM nêu về việc khi được CSGT kiểm tra giấy tờ, ông xuất trình GPLX qua ứng dụng VNeID nhưng không được chấp nhận. Sau đó, người này bị lập biên bản xử phạt lỗi không có giấy phép lái xe.
Nhiều ý kiến thắc mắc về quyết định xử phạt nêu trên của CSGT có đúng hay không trong bối cảnh Bộ Công an đẩy mạnh đăng ký định danh điện tử (VNeID).
Luật sư Nguyễn Thanh Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2008 đang có hiệu lực bắt buộc người điều khiển phương tiện phải mang theo các loại giấy tờ gồm: Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định; giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Căn cứ theo Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Điều 21 Nghị định 100 quy định rõ:
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo giấy đăng ký xe. Mức phạt này là 200.000 - 400.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô.
Theo luật sư Hải, việc CSGT xử phạt hành chính người đàn ông ở TP.HCM nêu trên là đúng quy định.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề xuất các loại giấy tờ gồm đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy kiểm định và bảo hiểm đã được tích hợp vào VNeID thì không phải mang theo người. Tuy nhiên, trước khi Luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thì người điều khiển phương tiện phải chấp hành việc mang theo các giấy tờ theo quy định hiện hành.
Tính đến ngày 20/9, Bộ Công an cấp hơn 83,7 triệu căn cước công dân gắn chip, kích hoạt gần 41 triệu tài khoản định danh điện tử.