Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, chi tiêu quân sự trên thế giới đã tăng kỷ lục vào năm ngoái do tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Sự kiện này buộc châu Âu gấp rút tăng cường phòng thủ, và tăng chi tiêu quân sự hàng năm lên mức lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Trong năm 2022, chi tiêu quân sự của châu Âu đã tăng 13% theo giá trị thực, mà chủ yếu đến từ Nga và Ukraine. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng tăng ngân sách quân sự, và còn lên kế hoạch mua thêm vũ khí trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục gia tăng.
Ông Diego Lopes da Silva, nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI, cho rằng: “Chi tiêu quân sự ở Trung và Tây Âu sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới”.
Trong năm 2022, chi tiêu quân sự của Ukraine đã tăng 640%, mức tăng hàng năm lớn nhất được ghi nhận trong dữ liệu của SIPRI kể từ năm 1949. Mức chi tiêu của Ukraine còn chưa bao gồm số lượng lớn viện trợ quân sự tài chính từ phương Tây.
Theo ước tính của SIPRI, viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine chiếm 2,3% tổng chi tiêu quân sự của Mỹ vào năm 2022.
SIPRI cho biết chi tiêu quân sự của Nga ước tính tăng 9,2%, song con số này được cho là chưa đúng với thực tế.
Ông Lucie Beraud-Sudreau, Giám đốc Chương trình chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí của SIPRI, cho biết: “Sự khác biệt giữa kế hoạch ngân sách và chi tiêu quân sự thực tế của Nga vào năm 2022 cho thấy chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã khiến Nga phải chi tiêu nhiều hơn so với dự đoán”.