Giá khí đốt giao kỳ hạn trong phiên giao dịch hôm qua có lúc tăng 10%, lên mức 8,05 USD/triệu BTU (đơn vị nhiệt Anh), mức cao nhất kể từ tháng 9/2008. Mức tăng này được củng cố từ 5 tuần tăng liên tiếp gần đây.
Tuy nhiên, giá sau đó đã giảm nhẹ và đóng cửa ở mức 7,82 USD/triệu BTU, tăng 7,12% so với ngày trước đó.
Giá dầu cũng đã tăng lên mức cao nhất trong một tháng trở lại đây khi mối lo thắt chặt nguồn cung ngày càng lớn do cuộc chiến kéo dài tại Ukraine.
"Cuộc xung đột Ukraine và Nga có thể sẽ là tác động lâu dài đối với thị trường khí đốt tự nhiên Bắc Mỹ", ông David Givens, trưởng bộ phận dịch vụ khí đốt và điện cho Bắc Mỹ tại Argus Media nói.
EBW Analytics cho thêm rằng sự thay đổi thất thường của thời tiết cũng sẽ khiến thị trường khí đốt của Mỹ rơi vào tình trạng "quá tải".
Theo Marketwatch, một đợt không khí lạnh cuối mùa ở Mỹ và kho dự trữ thấp được coi là những lý do đằng sau của đợt tăng giá khí đốt gần đây.
Ông Tyler Richey, đồng biên tập tại Sevens Report Research, cho biết nhiệt độ lạnh bất thường đang thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm trong mùa xuân ở Mỹ, trong khi mức dự trữ thấp và chưa có dấu hiệu thực sự về tăng sản lượng trong ngắn hạn lẫn trung hạn.
Trong năm nay, giá khí đốt tự nhiên của Mỹ đã tăng 108%, điều này làm gia tăng lo ngại về lạm phát trên toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, giá khí đốt tại Mỹ vẫn tăng ít hơn so với châu Âu, nơi các hợp đồng khí đốt giao tương lai đã vọt lên mức kỷ lục khi khối này cố gắng thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Mỹ hiện đang cung cấp một lượng khí đốt hóa lỏng cao kỷ lục cho châu Âu nhằm thay thế phần nào nguồn cung từ Nga. Điều này khiến giá khí đốt tại Henry Hub, trung tâm khí đốt lớn ở Mỹ, tăng cao.
Theo Campbell Faulkner, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc phân tích dữ liệu của OTC Global Holdings, trong bối cảnh giá tăng vọt, các nhà sản xuất đã giữ sản lượng trong tầm kiểm soát và hàng tồn kho hiện thấp hơn 17% so với mức trung bình 5 năm. Theo ông, Mỹ bắt đầu có khả năng giống như châu Âu tầm này năm ngoái.
(Theo Dân Trí)