Đây là nhận định của Tham mưu trưởng Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ John Kirchhofer trong một hội nghị diễn ra tại Washington vào giữa tuần này.
"Chắc chắn là chúng ta đang ở thế bế tắc. Một trong những điều mà giới lãnh đạo Nga tin tưởng là họ có thể tồn tại lâu hơn sự hỗ trợ của phương Tây", hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Kirchhofer.
Quân đội Ukraine chưa thể giành được bất kỳ ưu thế đáng kể nào, kể từ khi Kiev triển khai phản công vào đầu tháng Sáu. Theo số liệu từ Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine đã thiệt hại 26.000 binh sĩ, và hơn 3.000 thiết bị quân sự trong quá trình phản công.
Tổng thống Volodymyr Zelensky, và các quan chức hàng đầu của Ukraine đã công khai đổ lỗi cho phương Tây không cung cấp đủ vũ khí bao gồm tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu để đảm bảo phản công diễn ra thành công.
Song theo ông Kirchhofer, không một hệ thống vũ khí nào có thể thay đổi vận mệnh của Kiev. Ông nhấn mạnh, kể cả pháo phản lực HIMARS và bom chùm do Mỹ cung cấp, cùng tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh cho đến nay đều không thể làm thay đổi tình hình chiến sự theo hướng có lợi cho Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken nhiều lần bác bỏ ý tưởng về việc Ukraine tham gia đàm phán hòa bình với Nga. Hai người cho rằng, Ukraine sẽ quyết định khi nào ngồi xuống đàm phán, và không lên tiếng về việc liệu quan điểm có thay đổi hay không nếu cuộc phản công của Kiev tiếp tục thất bại.
Phía Nga khẳng định việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài xung đột, mà không thể làm thay đổi kết quả cuối cùng.
20% vũ khí Ukraine bị phá hủy chỉ trong 2 tuần
Tờ New York Times hôm 15/7 đưa tin, quân đội Ukraine đã mất 20% số thiết bị được gửi đến chiến trường bao gồm nhiều phương tiện do phương Tây cung cấp chỉ trong 2 tuần đầu tiên triển khai phản công vào đầu tháng Sáu. Tỷ lệ tiêu hao vũ khí ở mức cao được cho là nguyên nhân chính khiến Kiev quyết định tạm dừng phản công.
Dẫn số liệu từ một tổ chức thân Ukraine, New York Times cho hay tại một số đơn vị, tỷ lệ tổn thất thiết bị của phương Tây còn ở mức cao hơn. Cụ thể, Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine, một đơn vị do NATO huấn luyện, dường như đã mất 30% trong số 99 xe chiến đấu bộ binh Bradley trong 2 tuần. Còn Lữ đoàn cơ giới số 33 mất gần 1/3 trong số 32 xe tăng Leopard do Đức sản xuất chỉ trong một tuần.
“Tất cả đều bị thiêu cháy”, một binh sĩ Ukraine chứng kiến ít nhất 6 phương tiện phương Tây bị phá hủy trong một trận pháo kích duy nhất của Nga chia sẻ.
Một binh sĩ Ukraine khác nói thêm, những chiếc Bradley chạy qua mìn chống tăng hàng ngày. Dù các binh lính ngồi bên trong thường sống sót, nhưng các phương tiện bị bị bỏ lại bất động rất lâu trước khi đến được phòng tuyến của quân đội Nga.
Hôm 13/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các lực lượng Nga đã phá hủy tổng cộng 311 xe tăng của Ukraine kể từ ngày 4/6. Theo ông, “ít nhất 1/3 trong số này là xe tăng do phương Tây sản xuất như Leopard”.
New York Times tiết lộ, các chỉ huy Ukraine quyết định tạm dừng phản công sau 2 tuần đầu, và tổn thất vũ khí đã giảm xuống 10%. Tổng thống Zelensky cũng đã lên tiếng thừa nhận việc tạm dừng phản công, và đổ lỗi cho phương Tây vì không cung cấp đủ vũ khí và thiết bị.
Trên thực tế, phương Tây cũng đang cạn kiệt đạn dược để cung cấp cho Ukraine mà đặc biệt là đạn pháo 155mm. Tổng thống Mỹ Biden mới đây thừa nhận “chúng tôi sắp hết” loại đạn này, khi ông giải thích lý do gửi bom chùm để bù đắp sự thiếu hụt.