Đây là thông tin được tờ New York Times (NYT) công bố hôm 23/4. Theo tờ báo của Mỹ, công nghệ này nằm trong Dự án Maven mà ban đầu Google đã tham gia cách đây 6 năm. Tuy nhiên, sau khi vấp phải sự phản đối của các kỹ sư và nhân viên, những người không muốn tham gia xây dựng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) cho mục đích quân sự, Google đã rút lui khỏi dự án và các nhà thầu khác tiếp tục thực hiện.
Theo NYT, công nghệ AI mới giúp phát hiện các mục tiêu trên tiền tuyến bằng cách sử dụng cảnh quay từ UAV đang được thử nghiệm trên tiền tuyến ở Ukraine. Mục đích là để các sĩ quan phương Tây và Ukraine, cùng một số nhà thầu quân sự hàng đầu ở Thung lũng Silicon “khám phá những phương thức mới nhằm tìm ra, và khai thác các lỗ hổng của Nga”.
Cho đến nay, kết quả thử nghiệm được cho là “hỗn hợp”. Bởi Dự án Maven cho phép các chỉ huy xác định chuyển động của quân đội Nga và sử dụng thuật toán AI để dự đoán những bước tiến tiếp theo, nhưng rõ ràng là “khó” đưa “dữ liệu của thế kỷ 21 vào chiến hào của thế kỷ 19”.
Cũng theo NYT, một trong những rào cản chính là những hạn chế mà Tổng thống Mỹ Joe Biden áp đặt khiến quân đội Mỹ chỉ có thể cung cấp cho Ukraine “bức tranh chiến trường”, chứ không đưa ra chi tiết chính xác mục tiêu.
Hiện không rõ công nghệ mới có thể làm thay đổi cục diện xung đột hay không, bởi Nga cũng có khả năng thích ứng nhanh chóng với các công nghệ mà phía Ukraine đang sử dụng.
Tuy nhiên, theo suy nghĩ của giới chức Mỹ, xung đột Ukraine vẫn được xem là “có ích cho các loại vũ khí Mỹ”. Bởi nơi đây đã biến thành phòng thử nghiệm cho các công nghệ đang được phát triển nhanh chóng.
“Cuối cùng thì nơi này đã trở thành phòng thí nghiệm của chúng tôi”, Trung tướng Christopher T. Donahue, chỉ huy Sư đoàn Dù 18 của quân đội Mỹ nói với NYT.
Nga đã nhiều lần chỉ trích việc Mỹ ngày càng can thiệp sâu hơn vào xung đột ở Ukraine. Moscow cáo buộc đây là một cuộc chiến ủy nhiệm do Washington và các đối tác tiến hành.