Nhận lời mời của Quốc vương Ả-rập Xê-út Salman bin Abdulaziz Al Saud, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN- Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và thăm Ả-rập Xê-út từ ngày 18-20/10.

VietNamNet có cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út Đặng Xuân Dũng về chuyến công tác quan trọng này.

HỘI NGHỊ CẤP CAO ĐẦU TIÊN GIỮA ASEAN VÀ GCC

Xin Đại sứ đánh giá về quan hệ Việt Nam và Ả-rập Xê-út hiện nay, đặc biệt khi đến năm 2024 hai nước sẽ kỷ niệm 25 thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm Ả-rập Xê-út và tham dự hội nghị ASEAN-Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa như thế nào?

Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út có nhiều bước phát triển đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực. Về chính trị, hai bên đã ký thỏa thuận thiết lập cơ chế tham vấn chính trị (7/2021) bằng hình thức trực tuyến ngay vào thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn đang phức tạp. 

Ngoài ra, Ả-rập Xê-út thông qua Trung tâm Cứu trợ và Nhân đạo Quốc vương Salman, đã hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế và tài chính với tổng trị giá 800.000 USD để hỗ trợ Việt Nam phòng, chống Covid-19 và hỗ trợ nhân dân một số tỉnh khắc phục hậu quả của thiên tai, lũ lụt. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ TT&TT trong các cuộc tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo Ả-rập Xê-út. 

Trao đổi đoàn được nối lại ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát bằng chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Ả-rập Xê-út, Hoàng thân Faisal bin Farhan Al Saud tới Việt Nam (3/2022), tiếp theo là chuyến thăm của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và tiến hành Kỳ họp Tham vấn chính trị đầu tiên giữa hai nước (2/2023), chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Du lịch Ả-rập Xê-út Ahmed Al-Khateeb (8/2023), chuyến thăm Ả-rập Xê-út của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng. 

Sắp tới, vào tháng 12/2023, hai nước dự kiến sẽ tổ chức Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp nhằm rà soát quan hệ song phương từ Kỳ họp lần thứ 4 và đề ra phương hướng tăng cường quan hệ.

Năm 2024 sẽ đánh dấu chặng đường một phần tư thế kỷ trong quan hệ hai nước và hai bên hiện đang tích cực lên kế hoạch chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm dấu mốc quan trọng này.

Hội nghị ASEAN – GCC lần này là hội nghị cấp cao đầu tiên giữa các nước ASEAN và GCC, diễn ra trong bối cảnh vai trò của ASEAN và GCC ngày càng được khẳng định tại khu vực và trên thế giới. Quan hệ giữa hai khối ngày càng được tăng cường khi cả 6 thành viên của GCC đều đã ký văn kiện gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC). 

Hội nghị lần này sẽ mở ra các hướng phát triển mới giữa ASEAN và GCC, nhất là trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng giữa các nước thành viên như thương mại, đầu tư, du lịch, văn hóa và giao lưu nhân dân…

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Ả-rập Xê-út lần này là hoạt động cấp cao nhất của Việt Nam tại Ả-rập Xê-út kể từ chuyến thăm của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (4/2010). 

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính chắc chắn sẽ tạo xung lực mới thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Các hoạt động của Thủ tướng sẽ tập trung vào thúc đẩy quan hệ đầu tư, kinh tế, thương mại, lao động…

Xin Đại sứ chia sẻ về những nội dung quan trọng cũng như các điểm nhấn của chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Ả-rập Xê-út?

Một số nội dung quan trọng trong chuyến công tác của Thủ tướng bao gồm: cùng với các nước tham dự hội nghị, Việt Nam đã có những đóng góp vào nội dung văn kiện của hội nghị, phấn đấu vì sự thành công chung của hội nghị cấp cao lần đầu tiên này.

info ava.png
Các nước thành viên GCC và ASEAN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao một số nước ASEAN và GCC, góp phần thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và các nước này.

Tại các cuộc tiếp lãnh đạo một số bộ, ngành quan trọng của Ả-rập Xê-út, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ trao đổi với phía bạn về những định hướng và các biện pháp chính nhằm tăng cường quan hệ giữa các bộ, ngành của hai nước.

Ngoài tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp song phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn có các cuộc tiếp riêng với lãnh đạo một số tập đoàn, công ty lớn của Ả-rập Xê-út. Những cuộc gặp này sẽ mang tính thực chất, mở ra cơ hội hợp tác kinh tế cho cả hai bên.

KỲ VỌNG QUAN HỆ VIỆT NAM - Ả-RẬP XÊ-ÚT

Việt Nam và Ả-rập Xê-út còn nhiều dư địa để đẩy mạnh hợp tác, nhất là về kinh tế. Ả-rập Xê-út là một trong các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Xin Đại sứ đánh giá về tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước?

Hiện nay, đất nước Ả-rập xê-út đang phát triển nhanh theo hướng Tầm nhìn 2030 vạch ra. Theo đó, nhu cầu của sở tại về tất cả các loại hàng hóa, nhu yếu phẩm, dịch vụ, nhân lực lao động, kỹ thuật, công nghệ gia tăng rất nhanh nên tiềm năng cho Việt Nam là rất lớn. 

Chúng ta có thể tăng cường hợp tác với Ả-rập Xê-út dựa trên các thế mạnh sẵn có gồm 3 lĩnh vực.

Về thương mại, tiềm năng cho Việt Nam tiếp tục tăng cường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm, thực phẩm Halal, hàng may mặc, giầy dép, nội thất, than củi, máy tính, linh kiện điện tử, điện thoại, vật liệu xây dựng,....Việt Nam tăng cường nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước như nguyên liệu nhựa, hóa chất, sản phẩm hóa chất, khí hóa lỏng, dầu,....

Hiện nay kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 2,7 tỷ USD, Việt Nam xuất khẩu nông sản, máy móc thiết bị, vật liệu xây dựng, nội thất, phương tiện vận tải và phụ tùng, năm 2023 dự kiến sẽ đạt 3 tỷ USD. Dự báo với đà tăng trưởng như hiện nay, đến năm 2025 kỳ vọng đạt 3,5 tỷ USD.

viet nam dam nhan vai tro chu tich luan phien uy ban asean tai riyadh saudi arabia 20230101130445.jpg
     Đại sứ Đặng Xuân Dũng tiếp nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Ả-rập Xê-út hồi đầu năm nay.

Về du lịch, Việt Nam có nhiều lợi thế trong thu hút du lịch từ Trung Đông và Ả-rập Xê-út do văn hóa và thói quen đi du lịch dài ngày cùng cả gia đình, chi tiêu lớn. Ngành du lịch và các doanh nghiệp du lịch của Việt Nam cần tận dụng và thiết kế các gói tour nghỉ dưỡng, tour chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng..... phù hợp cho nhóm khách nhiều tiềm năng song cũng có những nhu cầu đặc thù về văn hóa Halal và tín ngưỡng.

Về lao động, Ả-rập Xê-út đang được xây dựng để phát triển thành trung tâm tài chính, công nghệ, logistics của khu vực và thế giới, thu hút nhiều nhân lực lao động có tay nghề, các kỹ sư phần mềm, công nghệ điện, điện tử, công nghệ thông minh, sáng tạo mới và tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững với chế độ đãi ngộ tốt. Do vậy, bên cạnh việc cung ứng các nhân lực lao động phổ thông truyền thống, Việt Nam có thể hướng tới nhóm nhân lực có kỹ thuật tay nghề cao kể cả các kỹ sư phần mềm đáp ứng nhu cầu cho những dự án mới, dự án lớn tại đây.

Đại sứ có kỳ vọng gì vào chuyến công tác này đối với quan hệ song phương?

Tôi tin tưởng rằng, về mặt song phương chuyến thăm này sẽ củng cố thêm các cơ sở về chính trị-ngoại giao, kinh tế thương mại giữa hai nước, tạo đà cho quan hệ song phương phát triển mạnh không chỉ trong thời gian trước mắt mà cả trung hạn và dài hạn, thiết thực phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng ở cả hai khu vực.

Xin cảm ơn Đại sứ!

artboard 1.png

Nguồn Tư liệu: Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út

Việt Hùng và nhóm PV, BTV