Theo lệ các làng thuộc xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội), ngày 13 tháng Giêng hàng năm, mỗi xóm phải mổ 1 con lợn dâng tế. Chọn nuôi lợn tế thường được lựa chọn từ năm trước, với tiêu chuẩn khắt khe như phải được nuôi nấng, chăm sóc trong môi trường sạch sẽ, ăn đồ sạch và tắm rửa hàng ngày.
Sáng 3/2, người dân làng La Phù tất bật chuẩn bị cho lễ hội tổ chức trở lại sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Công việc tiến hành cả ngày kéo dài qua 0h ngày 4/2. Lợn tế được đưa tới nhà quan đám (tức gia đình đăng cai tổ chức rước lợn cho một xóm) để người dân cả xóm cùng chuẩn bị.
Quy trình mổ lợn được tiến hành tỉ mỉ. Điều quan trọng là người thực hiện phải bóc thật khéo léo lớp mỡ màng để dùng làm áo choàng cho các "ông lợn" khi dâng tế.
Ngoài "ông lợn", đồ lễ còn có mâm hoa quả, xôi oản, đỉnh hương trầm, mỗi đám rước đều có phường bát âm hoặc đội trống đi đầu biểu diễn khiến không khí đám rước sôi động.
Đúng 18h, các "ông lợn" của những xóm được rước về đình để chuẩn bị cho lễ tế. Mỗi đoàn rước gồm 3 kiệu chính: bàn lộc, mâm xôi và "ông lợn". Đi phía trước là phường kèn trống.
Các xóm trong làng bắt đầu rước lợn ra đình dâng tế Thành hoàng. Các "ông" được tuyển chọn kỹ càng, nuôi dưỡng cẩn thận, chu đáo từ các năm trước, trọng lượng từ 150kg - 250kg. Trong ảnh, lễ của thôn Minh Khai 1 nặng gần 160kg.
Ngõ đi lại trong làng nhỏ hẹp, người dân La Phù tham gia lễ hội rất đông, tạo nên không khí sôi động, phấn khởi.
Ông Nguyễn Phan Đích, Trưởng ban Khánh tiết, xã La Phù cho biết, trong số 17 lễ có một "ông lợn" nặng đến 240kg, nhẹ nhất 150kg. Đúng 21h, các "ông lợn" được rước vào đình dưới sự hướng dẫn của BTC và các cụ cao tuổi.
Trước đây, các "ông lợn" tối đa chỉ được 100 kg. Giờ đây, với giống lợn lai và cách chăm sóc đặc biệt, trọng lượng trung bình của "ông lợn" tăng gấp đôi. Trước đó Ban Khánh tiết phải đi đến từng nhà đăng cai để làm việc.
Lễ từ 160kg xuống với 6 "ông" được đưa vào cung, từ 160kg trở lên phải để bên ngoài. Theo lệ làng, ngày xưa chỉ có 6 giáp nên chỉ 6 lễ mới được hưởng vinh dự này.
Khi vào đến "cung cấm", gần như không ai được vào bên trong, trừ những người có nhiệm vụ chính. 0h, các cụ cao tuổi bắt đầu làm lễ tế cho tới 1-2h sáng. Sau đó, lợn tế được các xóm mang về chờ sang ngày hôm sau tán lộc cho các gia đình trong xóm.
Theo sử sách ghi lại, Lễ hội làng La Phù kéo dài từ ngày 7 đến 15 tháng Giêng hàng năm với màn rước lợn lên đình tế lễ để tưởng nhớ công ơn Tam Lang Đại Vương thời Hùng Duệ Vương thứ 6 có công đánh tan quân giặc Thục giữ yên bờ cõi. Tương truyền rằng, trước mỗi khi lên đường đi đánh giặc, ông lại mổ lợn, thổi xôi khao quân. Người dân trong làng thường mang lợn đến dâng và tôn ông là Thành hoàng. |