Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ tham dự Diễn đàn cấp cao Hợp tác quốc tế Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRF) lần thứ 3 tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 17-20/10 theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lần đầu tiên trong chuyến thăm Trung Á (tháng 9/2013) và Đông Nam Á (tháng 10/2013).

Về phạm vi địa lý, sáng kiến “Vành đai và Con đường” trải dài từ châu Á sang châu Âu và có thể mở rộng ra châu Phi, châu Mỹ Latin. Hai cấu phần chính là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (trên bộ) và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.

184d8554 7de0 4b1d b7b7 e80681c8d4d6 17.jpeg
Vành đai kinh tế con đường tơ lụa hình thành 6 tuyến hành lang kinh tế liên quốc gia. Trong đó có hành lang kinh tế Trung Quốc – Đông Nam Á lục địa kết nối các tỉnh của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. 

Trung Quốc đề xuất 5 mảng hợp tác chính trong khuôn khổ sáng kiến.

Về kết nối chính sách, tăng cường hợp tác giữa Chính phủ các nước, tích cực xây dựng một cơ chế trao đổi nhiều cấp liên chính phủ để các bên thông hiểu các chính sách lớn của nhau, thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị, đạt được một sự đồng thuận mới về hợp tác.

Về kết nối cơ sở hạ tầng, thúc đẩy xây dựng các tuyến giao thông xương sống quốc tế kết nối giữa các tiểu vùng trong Châu Á và giữa Châu Á, Châu Âu với Châu Phi.

Về kết nối thương mại và đầu tư, hợp tác thúc đẩy thông quan, loại bỏ các hàng rào đầu tư, đẩy nhanh việc đàm phán các hiệp định bảo hộ đầu tư và tránh đánh thuế hai lần; tăng cường hợp tác bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu.

Về kết nối tài chính - tiền tệ, thúc đẩy xây dựng hệ thống tiền tệ, hệ thống đầu tư vốn và hệ thống tín dụng ở Châu Á ổn định; mở rộng hoán đổi tiền tệ, phạm vi và quy mô thanh toán song phương; tăng cường mở cửa và phát triển thị trường chứng khoán Châu Á...

Về kết nối con người, mở rộng hợp tác, giao lưu văn hóa, học thuật, báo chí, thanh niên, tình nguyện viên, tạo cơ sở vững chắc cho hợp tác song phương và đa phương.

Ngày 12/11/2017, nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam và tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Hai bên đang tiếp tục thảo luận các nội dung để cụ thể hóa Bản ghi nhớ này.

Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã 2 lần tham dự diễn đàn vào tháng 5/2017 và tháng 4/2019, tuần tới Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự diễn đàn.

W-vo-van-thuong-2-1.jpg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Đây là chuyến công tác Trung Quốc đầu tiên của ông Võ Văn Thưởng trên cương vị Chủ tịch nước, là sự tiếp nối các cuộc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thời gian qua.

Năm 2023 là năm kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc và kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển BRI, chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Nói về điều này, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết, chuyến công tác thể hiện sự coi trọng cao độ, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta trong việc phát triển quan hệ với Trung Quốc, cũng như thể hiện sự hoan nghênh, coi trọng đối với các sáng kiến kết nối, trong đó có BRI vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phồn vinh tại khu vực và trên thế giới.

Đây là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước tiếp tục đi sâu trao đổi các biện pháp nhằm cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, nhất là sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2022).

Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết, với chủ đề “Hợp tác chất lượng cao Vành đai và Con đường, chung tay vì phát triển và thịnh vượng chung”, diễn đàn sẽ tập trung thảo luận, tổng kết những thành tựu BRI đạt được trong 10 năm qua, trao đổi triển vọng, phương hướng hợp tác trong tương lai.

Diễn đàn gồm 3 phiên cấp cao với nội dung trọng tâm về “Kinh tế số như động lực mới của tăng trưởng”, “Kết nối trong một nền kinh tế toàn cầu mở”, “Con đường tơ lụa xanh vì sự hài hoà với thiên nhiên” và 6 diễn đàn khác về kết nối thương mại, giao lưu nhân dân, con đường tơ lụa sạch, hợp tác địa phương, hợp tác giữa các cơ quan nghiên cứu và hợp tác trên biển. Một hội nghị CEO cũng sẽ được tổ chức tại diễn đàn lần này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự lễ khai mạc diễn đàn và có bài phát biểu quan trọng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ có các bài phát biểu tại diễn đàn cấp cao, với sự tham dự của lãnh đạo nhiều nước và các đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp đến từ khoảng 140 quốc gia, các tổ chức quốc tế.

Đại sứ Phạm Sao Mai chia sẻ, đây sẽ là đóng góp tiếng nói của Việt Nam trong thúc đẩy hòa bình, hợp tác, liên kết kinh tế và kết nối khu vực, làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước trên thế giới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu, thực hiện hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc.

Thuý Tình và nhóm PV, BTV