VnReview lược dịch bài viết của tác giả Dan Price, trang Makeuseof về ý nghĩa của các ký hiệu mạng mobile. 

Do sử dụng mạng không dây là chủ yếu, tốc độ internet trên các thiết bị di động thường hay thay đổi thất thường, có lúc thì rất nhanh nhưng đôi khi lại "chậm như rùa bò". Tốc độ mạng mobile dễ bị nhiễu bởi các yếu tố bên ngoài như quy mô mạng lưới viễn thông, khu vực địa lý… Cụ thể, một số quốc gia có tiềm lực mạnh tài chính dồi dào điển hình là Trung Quốc và Mỹ thì chắc chắn sở hữu hạ tầng mạng viễn thông tiên tiến hơn những quốc gia khác hay các khu vực vùng sâu, vùng xa sẽ có chất lượng phủ sóng kém hơn các thành phố lớn. Ngay cả trong những thành phố hiện đại, mạng của nhiều hộ gia đình cũng có nhiều lúc chậm đi đáng kể. 

Chúng ta thường nhận biết độ phủ sóng internet trên thiết bị di động của mình thông qua các ký hiệu như E, 3G, H… trên góc phải hoặc góc trái tùy vào từng smartphone. Liệu bạn đã biết hết ý nghĩa cũng như tốc độ mạng tương ứng với các mã đó chưa? Nếu chưa, hãy đọc bài viết sau đây của chúng tôi. 

2G

Mạng 2G được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1991, đây là công nghệ mạng di động viễn thông đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên tín hiệu kỹ thuật số (digital) thay vì là tín hiệu tương tự (analog) như hệ thống mạng không dây di động 1G trước đó. Do đó, công nghệ 2G mạng hiệu quả phổ tần vô tuyến cao hơn cho phép nhiều người dùng hơn trên mỗi dải tần. Chưa hết, nó còn cung cấp những dịch vụ dữ liệu như tin nhắn văn bản (SMS), tin nhắn hình ảnh và MMS (tin nhắn đa phương tiện). Tất cả các tin nhắn gửi trên 2G đều được mã hóa bằng tín hiệu kỹ thuật số. Thời điểm đó, SMS hay MMS trở nên cực kỳ phổ biến trên smartphone. Theo lý thuyết, mạng 2G có tốc độ tối đa là 50 Kbps và nó được sử dụng phần lớn tại các khu vực của Châu Âu và Bắc Mỹ. Hiện tại, 2G đã bị ngắt kết nối. 

G

G là viết tắt của General Packet Radio Service (hoặc GPRS) hay còn được gọi là mạng 2,5G. Nó được sử dụng rộng rãi vào năm 2000 và được coi là bước đệm quan trọng cho quá trình phát triển mạng 3G. Tuy nhiên, hiện mạng 2,5G cũng đã trở thành công nghệ lạc hậu. Mặc dù 2,5G có tốc độ tối đa được xem là ấn tượng trong quá khứ khi lên đến 114 Kbps nhưng ở năm 2020 với tốc độ này thì người dùng chỉ có thể dịch vụ tin nhắn tức thời như WhatsApp.

EDGE

Chữ cái E bên cột sóng điện thoại là đặc trưng cho cụm từ Enhanced Data rates for GSM Evolution (EDGE) hay còn được biết đến là mạng 2,75G. Mạng mobile này bắt đầu phổ biến từ năm 2003 khi có tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn gấp vài lần bất kỳ công nghệ mạng trước nó. Cụ thể, mạng EDGE hỗ trợ tốc độ tối đa tới 217 Kbps, tăng đáng kể so với người tiền nhiệm 2,5G. Dẫu vậy, mạng EDGE vẫn không khá hơn mạng G là nhiều khi cũng mất rất nhiều thời gian để load các web cũng như xem video Youtube thời bây giờ. Trước khi 3G mở đầu cho cuộc cách mạng internet di động, mạng EDGE là một trong những mạng mobile được sử dụng nhiều nhất trên thế giới và hiện vẫn đang có quy mô tương đối lớn với 604 hệ thống mạng ở 213 quốc gia. 

3G

Mạng 3G là một cái tên đã quá quen thuộc với người dùng smartphone trong nhiều năm trở lại đây nhưng ít ai biết rằng nó đã có mặt từ rất lâu. Xuất hiện tại Nhật Bản lần đầu tiên vào tháng 10/2001, sau đó công nghệ 3G bắt đầu phổ biến rộng hơn khi có mặt ở Na Uy vào tháng 12/2001 và đến đầu năm 2002 nó đã được sử dụng tại hầu hết các khu vực Châu Âu lẫn Đông Nam Á. Tại Mỹ, mạng 3G đầu tiên hoạt động vào tháng 7/2002 và có tên là Verizon Wireless.

Thay vì được triển khai dựa trên các tiêu chuẩn cũ là GSM, GPRS, EDGE trên 2G, G (2,5G) hay EDGE (2,75G), chuẩn hóa 3G dựa trên các tiêu chí kỹ thuật của Hệ thống viễn thông di động toàn cầu (UMTS). Với tốc độ vượt trội 384 Kbps, công nghệ 3G trở thành mạng mobile đầu tiên đủ sức thực hiện các tác vụ như duyệt web, phát nhạc, coi video… tương đối mượt mà. Bên cạnh đó, cùng sự phát triển mạnh mẽ của nhu cầu sử dụng smartphone, 3G nhanh chóng phủ sóng khắp nơi và tới nay vẫn là mạng từng có nhiều người sử dụng nhất. 

H

Biểu tượng H đại diện cho cụm từ High-Speed Packet Access (HSPA), mạng HSPA được triển khai với công nghệ tương tự như 3G nhưng lại thay thế tiêu chuẩn UMTS, thế nên, nó sở hữu tốc độ tối đa lên tới 7,2Mbps. Khi sử dụng mạng HSPA, bạn có thể thoải mái xem video Youtube, nghe nhạc trực tuyến, duyệt web… mà không cần bận tâm quá nhiều về tình trạng giật lag. Tuy nhiên, các tác vụ nặng hơn như tải phim hay tải các tệp có dung lượng lớn từ internet đối với công nghệ HSPA vẫn là một thách thức lớn. Mạng HSPA được triển khai trên toàn thế giới vào năm 2010 và hiện đã có mặt ở hầu hết các quốc gia phát triển. 

H+

Biểu tượng H+ đại diện cho cụm từ Evolved High-Speed Packet Access (HSPA+) hay còn được gọi là phiên bản nâng cấp của mạng HSPA. Công nghệ này có năm lần nâng cấp và mỗi phiên bản của nó đều có những bước tiến đáng kể trong việc gia tăng tốc độ dữ liệu.

Cụ thể, phiên bản 6 (Release) của HSPA đạt tốc độ tối đa 14,4 Mbps, phiên bản 7 (Release 7) tăng lên 21,1 Mbps, phiên bản 8 (Release 8) tiếp tục tăng lên 42,2 Mbps, phiên bản 9 (Release 9) đạt tốc độ 84,4 Mbps trước khi phiên bản 10 (Release 10) đạt tốc độ ấn tượng 168,8 Mbps. Mặc dù 168,8 Mbps là một tốc độ rất nhanh nhưng đó mới chỉ tính toán theo lý thuyết, trong thực tế hiếm khi nào H+ đạt tới tốc độ này. Tính tới thời điểm hiện tại, công nghệ H+ là kết nối di động nhanh nhất có thể thay thế 4G ở những nơi mà mạng này không được hỗ trợ.

4G

Khi mà 5G vẫn chưa phổ biến, 4G hiện vẫn đang là mạng di động nhanh cũng như tốt nhất, tốc độ trên 4G có thể lên tới 1GB mỗi giây. Nếu đã từng sử dụng mạng 4G trên smartphone, tôi đoán bạn cũng đã cảm nhận được nó tuyệt vời như thế nào. Hệ thống mạng 4G phủ sóng lần đầu tiên vào năm 2009 ở Stockholm (Thụy Điển) và Oslo (Na Uy) và dần "trải đều" ra các quốc gia khác những năm tiếp theo. Hầu hết mạng 4G trên thế giới đều hoạt động trên tiêu chuẩn Long Term Evolution (LTE), trong khi đó 4G sử dụng tiêu chuẩn Worldwide Interoperability for Microwave Access (WiMAX) ít phổ biến hơn chỉ xuất hiện ở một số khu vực. Ở Châu Âu và Bắc, tính đến cuối năm 2017, phần lớn nhà mạng đã bỏ WiMAX để chuyển sang LTE.

Theo chia sẻ của người dùng cuối (end-user), sự khác biệt giữa hai loại 4G trên là không đáng kể, tuy nhiên, vì một số lý do mà đa phần các nhà mạng đều chỉ chọn hỗ trợ LTE. Vậy tại sao các nhà mạng lại không chọn WiMAX?

Thứ nhất, mạng WiMAX không hỗ trợ chuyển đổi về lại các mạng mobile đời cũ như 2G và 3G trong khi LTE tương thích và cho phép những công nghệ mạng trước cùng tồn tại. Điều này giúp LTE vượt trội hơn WiMAX ở tính linh hoạt, người dùng LTE có thể dễ dàng chuyển mạng để tiếp tục truy cập trong trường hợp 4G trục trặc.

Thứ hai, LTE có tốc độ tối đa cao hơn WiMAX.

Cuối cùng, LTE tiêu thụ ít pin hơn WiMAX trên thiết bị cầm tay.

5G

Vào cuối năm 2019, 5G đã bắt đầu được triển khai trên thế giới và theo dự kiến đến 2025 sẽ có hơn 1.7 tỷ người dùng. Mạng 5G có băng thông rất lớn khi theo lý thuyết có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 10 Gbps, nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G hiện nay. 5G hoạt động ở tổng cộng 3 băng tần: Dải tần thấp 600-700MHz, dải tần trung 2,5-3,7GHz và dải tần cao 25-39GHz.

Không chỉ nâng trải nghiệm internet của người dùng smartphone, iPad lên một tầm cao mới, mạng 5G còn giúp mở ra nhiều khả năng mới và hấp dẫn. Trong tương lai, với 5G, xe tự lái có thể đưa ra những quyết định quan trọng trong nhiều tình huống, các cơ quan chức năng trong thành phố có thể theo dõi tình trạng tắc nghẽn giao thông, mức độ ô nhiễm và nhu cầu tại các bãi đậu xe…

6G mạnh mẽ đến mức nào?

Vì là "người kế nhiệm" của 5G, chắc chắn 6G sẽ còn sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội hơn rất nhiều. Theo nhiều tin đồn, mạng 6G hỗ trợ tốc độ tới 96 Gbps, nhanh hơn gần 10 lần so với 5G. Mặc dù các thử nghiệm 6G đã và đang được tiến hành ở Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản nhưng các chuyên gia dự đoán đến năm 2030 thì nó mới được triển khai chính thức. 

(Theo VnReview)

Nokia dẫn đầu dự án nghiên cứu 6G cho EU

Nokia dẫn đầu dự án nghiên cứu 6G cho EU

Nokia sẽ dẫn dắt một nhóm các công ty và trường đại học trong dự án nghiên cứu 6G được Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.