Sủi cảo (hay còn có tên khác là bánh chẻo) không chỉ là một món ăn dân dã đã xuất hiện từ thời Đông Hán cách đây gần 2.000 năm về trước trong lịch sử Trung Quốc, mà còn là một trong những thức ăn quan trọng phải xuất hiện mỗi dịp Tết Nguyên Đán ở nước này.
Đối với người Trung Quốc, hoạt động quan trọng nhất trong đêm giao thừa là quây quần cùng người thân và thưởng thức món sủi cảo truyền thống nhằm cầu mong mọi sự may mắn sẽ đến với họ trong năm mới. Bởi theo quan niệm của người Trung Quốc, món ăn sủi cảo có ba ý nghĩa chính gồm phát tài phát lộc, vui vẻ đoàn viên và bình an như ý.
Phát tài, phát lộc
Theo trang 52yushi, sủi cảo đôi khi được người dân Trung Quốc gấp theo hình dáng giống với thỏi vàng, thỏi bạc được sử dụng để giao dịch mua bán trong thời kỳ phong kiến của nước này. Do vậy, việc người dân ăn sủi cảo trong dịp năm mới còn mang ngụ ý ‘thu hút tài lộc’ cho bản thân họ.
Ngoài ra, cách phát âm món sủi cảo của người Trung Quốc là “Jiaozi” nghe khá giống tên của Giao tử, loại tiền giấy đầu tiên trên thế giới xuất hiện dưới thời nhà Tống trong thế kỷ 11. Nên người dân Trung Quốc cũng coi sủi cảo là một món ăn tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng.
Vui vẻ đoàn viên
Theo tập tục có từ thời xưa của người Trung Quốc, các thành viên trong gia đình vào dịp lễ Tết thường cùng nhau nhào bột và làm nhân cho sủi cảo, tương tự với việc người Việt Nam cùng nhau gói và luộc bánh chưng. Việc này được coi là sự tượng trưng cho đoàn tụ vui vẻ và hòa thuận trong một gia đình.
Sau khi chế biến xong, đĩa sủi cảo sẽ được bày lên bàn tiệc cùng nhiều món ăn khác. Dù chỉ là một món ăn dễ chế biến và không cầu kỳ như những món khác, nhưng trong tâm thức của người Trung Quốc, đây là một trong những món ăn quan trọng nhất.
Thậm chí, người Trung Quốc từ thời xa xưa đã có câu nói “Không gì ngon hơn sủi cảo”. Câu nói này nhằm ám chỉ bất luận kinh tế gia đình sau này ngày càng phát triển tới đâu, món ăn trên bàn tiệc dù có phong phú và thịnh soạn đến mấy, thì sự yêu thích của mọi người đối với sủi cảo “chỉ có tăng lên, mà không giảm đi”.
Bình an như ý
Sủi cảo trong quan niệm của người Trung Quốc còn mang ý nghĩa cầu phúc. Bởi thời xa xưa khi của ngon vật lạ còn hiếm, đối với người dân nước này thì sủi cảo trong dịp Tết đã là một món ăn ngon. Khi thưởng thức món ăn này, người ta sẽ thường cầu mong năm mới sẽ mưa thuận gió hòa, vạn sự như ý.