Hiệu quả bước đầu
Tháng 2/2023, một bệnh nhi 4 tuổi được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương với triệu chứng sốt cao, có vết loét trên da, phát ban và nổi hạch toàn thân, hôn mê do sốc nhiễm khuẩn Rickettsia.
Bác sỹ Tạ Kiên Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương cho biết, ban đầu bệnh viện chỉ định bệnh nhân chuyển tuyến, tuy nhiên, tại bệnh viện đã có hệ thống khám bệnh trực tuyến kết nối với các bệnh viện tỉnh và trung ương.
Do vậy, các bác sỹ quyết định để bệnh nhân lại và tổ chức hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Nhi trung ương. Kết quả, bệnh nhân đã được cứu chữa kịp thời.
Từ cuối năm 2020, Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương đã được đầu tư 4 bộ thiết bị kết nối để thực hiện khám - chữa bệnh từ xa, với 3 hình thức là hội chẩn, khám bệnh và tư vấn chữa bệnh từ xa với bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Nhi trung ương; hội chẩn, khám - chữa bệnh từ xa với bệnh viện tuyến tỉnh gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi; hội chẩn, khám - chữa bệnh từ xa với các phòng khám đa khoa khu vực trong huyện Mường Khương.
Nhờ đó, hằng trăm bệnh nhân bệnh nặng đã được cứu chữa kịp thời mà không cần chuyển tuyến.
Đầu năm 2023, việc đăng ký khám - chữa bệnh bằng căn cước công dân tích hợp đã được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và việc khám - chữa bệnh bằng căn cước công dân đã chiếm trên 65% lượt bệnh nhân đến khám.
Ông Trần Bình An, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Khi đăng ký khám - chữa bệnh trực tuyến bằng căn cước công dân, người dân đến khám bệnh được tiếp nhận nhanh hơn, thủ tục đơn giản hơn vì không cần phải mang nhiều loại giấy tờ, lại không phải chờ đợi lâu.
Tại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, cùng với triển khai các phần mềm quản lý bệnh nhân, thời gian qua, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được nâng từ 30% lên 50% trong tổng số lượt người thanh toán khi đến khám - chữa bệnh.
Từ đầu năm 2023, các kết quả chẩn đoán bằng hình ảnh của bệnh nhân cũng được kết nối tới các khoa lâm sàng tại bệnh viện để thuận lợi trong việc chẩn đoán, điều trị.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo đánh giá của ngành y tế tỉnh, hiện nay hạ tầng, thiết bị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác khám - chữa bệnh, đặc biệt tại các bệnh viện tuyến huyện còn yếu và thiếu.
Hiện tại, hầu hết các đơn vị mới đáp ứng thiết bị tối thiểu để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số như máy chủ, máy tính trạm, thiết bị mạng LAN.
Ví dụ, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương, các thiết bị kỹ thuật hỗ trợ chẩn đoán bệnh như máy chụp X quang, nội soi, siêu âm đã được đầu tư từ lâu nên không thể kết nối với phần mềm liên kết giữa các khoa, phòng phục vụ điều trị. Bên cạnh đó, hạ tầng lưu trữ chưa được đầu tư, vẫn phải một phần sử dụng hồ sơ, bệnh án trên giấy…
Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cho biết, việc đảm bảo an toàn thông tin tại bệnh viện hiện gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, các thiết bị về an toàn, an ninh thông tin; lưu trữ, backup dữ liệu; hệ thống dự phòng còn thiếu, do đó việc triển khai các phần mềm số cũng bị hạn chế.
Theo đánh giá của Sở Y tế, nguồn nhân lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành còn thiếu, mặt bằng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ, y - bác sỹ còn thấp, số lượng cán bộ chuyên trách về công nghệ tại các đơn vị chưa đủ, đặc biệt vẫn còn nhiều bệnh viện chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin.
Thêm vào đó, phần mềm phục vụ các chương trình y tế độc lập, phục vụ quản lý chuyên môn và báo cáo số liệu thực hiện về Bộ Y tế hiện không kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu. Một số lĩnh vực công tác quan trọng khác của ngành y tế chưa có các phần mềm chuyên ngành đáp ứng triển khai chuyển đổi số (giám định y khoa, giám định pháp y, kiểm nghiệm, dược, y tế dự phòng...).
Ông Hoàng Quốc Hương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Ngành y tế Lào Cai đang phấn đấu hoàn thành các mục tiêu cơ bản như triển khai quản lý sức khỏe người dân bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, phấn đấu đến hết năm 2025 tối thiểu 90% người dân được quản lý sức khỏe bằng hồ sơ điện tử, trên cơ sở số hóa tối đa dữ liệu về sức khỏe của người dân.
Sẽ có 100% cơ sở khám - chữa bệnh tiếp nhận bằng căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy. Các cơ sở y tế cũng sẽ đẩy mạnh sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, tạo sự nhanh chóng, tiện lợi, chính xác, công khai, minh bạch và an toàn cho người dân…
Theo Đức Nguyễn (Báo Lào Cai)