Tạo dựng thương hiệu trên nền tảng thương mại điện tử
Yên Bái là tỉnh có nhiều thế mạnh về mặt hàng nông sản như: chè, cam, quế, miến đao… Tuy nhiên, trước đây người nông dân vẫn chủ yếu sản xuất theo phương thức nhỏ lẻ, manh mún, không chú trọng đến việc xây dựng và quảng bá nên các sản phẩm được ít người biết đến, đầu ra thị trường không ổn định.
Đứng trước việc giải bài toán đầu ra cho nông sản, đặc biệt trong thời đại kinh tế số, tỉnh Yên Bái xác định, nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) là công cụ hỗ trợ hiệu quả thúc đẩy tốc độ giao thương cũng như mở rộng thị trường. Thông qua sàn TMĐT, người bán sẽ được kết nối trực tiếp người mua để kịp thời nắm bắt nhu cầu thực tế,cải thiện sản phẩm và xây dựng uy tín thương hiệu. Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng cũng hiểu rõ được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Từ đó, Yên Bái đã chủ động xây dựng kế hoạch hỗ trợ các hộ sản xuất kết nối và quảng bá thương hiệu nông sản trên nhiều sàn TMĐT.
Cụ thể, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, đào tạo kỹ năng số một cách tỉ mỉ cho người dân, từ việc sử dụng các thiết bị di động thông minh để tham gia giao dịch cho đến quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận… Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng hướng dẫn các hộ sản xuất thực hiện ruy xuất nguồn gốc hàng hóa trên sàn để đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng uy tín sản phẩm.
Trong năm 2022, Sở Công Thương Yên Bái đã hỗ trợ cho 27 doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện hạ tầng TMĐT, đồng thời duy trì hoạt động của sàn TMĐT Yên Bái tại địa chỉ sctyenbai.com với gần 1.000 lượt doanh nghiệp và hơn 600 lượt sản phẩm chào bán trên sàn. Bên cạnh đó, Sở còn hối hợp với các doanh nghiệp đăng tải nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn giao dịch thương mại điện tử www.voso.vn và www.postmart.vn.
“Trái ngọt" từ sự chuyển đổi đã đến với người nông dân Yên Bái với những thương hiệu đã dần có chỗ đứng như quế Trấn Yên, chè Shan tuyết Suối Giàng, gạo Séng cù Mường Lò, chè Bát tiên Trấn Yên, bưởi Đại Minh; miến đao Quy Mông; trà Sơn tra Shan Thịnh; măng tre Bát độ Trấn Yên; mật ong Mù Cang Chải…
Đi cùng việc tạo dựng được thương hiệu, lượng tiêu thụ sản phẩm cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh thông qua việc “lên sàn". Có cơ sở sản xuất miến đao ghi nhận sản lượng tiêu thụ đến hàng trăm tấn tại các tỉnh bạn chủ yếu qua kênh bán hàng online, sàn TMĐT.
Không chỉ tiêu thụ tốt ở nội địa, một số doanh nghiệp còn quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường quốc tế thông qua các sàn TMĐT Lazada, Amazon, Alibaba...
Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển các thương hiệu nông sản Yên Bái trên nền tảng TMĐT, trong thời gian tới, tỉnh định hướng thực hiện số hóa dữ liệu hộ sản xuất nông nghiệp; tập huấn hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp khởi tạo, đăng bán sản phẩm trên sàn TMĐT. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng thực hiện nâng cấp, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; quảng cáo bán lẻ sản phẩm nông nghiệp qua sàn TMĐT nội địa và quốc tế thông qua các chương trình xúc tiến thương mại; xây dựng nền tảng và tích hợp các tiện ích công, dịch vụ xã hội, gia tăng tính tiện ích và kích thích các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia truy cập và sử dụng nền tảng số…
Tăng sức cạnh tranh nhờ mã số vùng trồng
Nếu nền tảng thương mại điện tử hỗ trợ hiệu quả mở rộng thị trường thì mã số vùng trồng lại coi là một điều kiện quan trọng để tăng sức cạnh tranh cũng như đưa nông sản Yên Bái có cơ hội đáp ứng yêu cầu cao của thị trường quốc tế.
Mã số vùng trồng là mã định danh cho một vùng trồng trọt nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản.
Mã hóa vùng trồng mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho nông dân như: Chuẩn hóa quá trình chăm sóc, quản lý cây trồng, vật nuôi, quản lý được diện tích trồng, đưa ra quy trình chuẩn trong chăm sóc; cảnh báo tình hình dịch bệnh, lên kế hoạch chăm sóc, danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và ước lượng năng suất…
Đặc biệt, khi vùng trồng được cấp mã số, sản phẩm sẽ có điều kiện thuận lợi để đến với các thị trường, đặc biệt đối với xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Nắm bắt xu thế này, ngành nông nghiệp Yên Bái đã chủ động phối hợp với các địa phương tích cực hướng dẫn người dân xây dựng vùng trồng, tổ chức thiết lập những vùng trồng được cấp mã số.
Từ năm 2022, ngành nông nghiệp Yên Bái đã tích cực hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng. Trong đó tập trung vào vùng trồng chè, cây đao riềng, rau an toàn… Tính đến nay, Yên Bái đã có 37 tổ chức, cá nhân được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; 13 tổ chức, cá nhân được cấp mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa.
Để khuyến khích việc đăng ký cấp mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh, tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 quy định nội dung, mức hỗ trợ một số nội dung chi sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Cụ thể, tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí tư vấn, giám sát và gắn mã vùng trồng cho các cá nhân, tổ chức với mức hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng cho vùng trồng phục vụ xuất khẩu; 20 triệu đồng cho vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa và hỗ trợ truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chủ lực, tối đa 10 triệu đồng/sản phẩm.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn về mã số vùng trồng cho cán bộ quản lý, chính quyền địa phương, cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ tại cơ sở; tổ chức, cá nhân tổ chức sản xuất và trực tiếp làm việc tại các vùng trồng; tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân đăng ký cấp mã số vùng trồng…
Với việc nhanh nhạy cập nhật những xu hướng mới của thị trường trong thời đại số, ngành nông nghiệp Yên Bái đã có những bước chuyển mình ấn tượng, tạo nền tảng quan trọng cho sự đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản của địa phương.
D. An