Nhờ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, đến nay, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh Yên Bái, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã tiếp cận được đông đảo người tiêu dùng trên cả nước, từ đó mang lại thu nhập cao cho người sản xuất.
Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã tích cực xây dựng kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Đến nay, trên cơ sở danh sách các hộ sản suất, kinh doanh do Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cung cấp, Bưu điện tỉnh đã tạo được hàng nghìn tài khoản mua - bán cho các hộ nông dân, giới thiệu được hàng nghìn sản phẩm, trong đó có 108 sản phẩm OCOP, giá trị giao dịch thương mại đạt trên 1 tỷ đồng.
Hội Nông dân các cấp cũng tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hoá tiêu biểu của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của địa phương, tỉnh và tại các hội chợ, trên sàn thương mại điện tử, sàn thương mại Postmart. Qua đó đã hỗ trợ tiêu thụ được 10 nghìn tấn nông sản cho nông dân.
Bên cạnh đó, tư vấn, hướng dẫn thành lập 10 hợp tác xã, xây dựng 11 mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, 37 mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả. Tư vấn, hướng dẫn xây dựng mới sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm các cấp Hội đã hướng dẫn xây dựng từ năm 2020 đến nay là 29 sản phẩm OCOP.
Qua mạng xã hội, nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất, hợp tác xã đã chủ động xây dựng mạng lưới khách hàng rộng khắp cả nước, thông qua dịch vụ vận chuyển để bán hàng trực tiếp đến khách hàng.
Cùng với việc phát triển kinh tế số, tỉnh Yên Bái cũng chú trọng đến hạ tầng số. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn đã có đường truyền băng rộng cáp quang; dịch vụ mạng di động 2G, 3G, 4G được phổ cập với 1.222 vị trí trạm phát sóng; phủ sóng 4G đạt 98,1% với 1.329/1.356 thôn, bản, tổ dân phố. 80% các hệ thống thông tin trọng yếu, hệ thống dùng chung của tỉnh kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng.
Yên Bái cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong toàn quốc có dịch vụ mạng di động 5G tại 3 địa phương là: thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Yên. Đây là bước tiến vượt bậc về hạ tầng mạng di động, tạo nền móng nhân rộng 5G ra các địa phương khác trong thời gian tới.
Với hạ tầng sẵn sàng, với phạm vi rộng khắp, chuyển đổi số tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng cho các bước tiến tiếp theo. Đặc biệt, Yên Bái cũng chú trọng phát triển xã hội số, đặc biệt là xây dựng các nhà văn hóa số.
Tại huyện Yên Bình, các mô hình thôn, tổ dân phố trên địa bàn đã thực sự phát huy hiệu quả, kết nối ngưới dân với chính quyền, tạo thuận lợi trong công tác quản lý điều hành, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của địa phương. Năm 2023, huyện đặt mục tiêu có 50% trở lên nhà văn hóa thôn đạt tiêu chuẩn nhà văn hóa số.
Để đạt được mục tiêu, cùng với việc huy động mọi nguồn lực, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm hoàn thiện xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện Yên Bình đã chỉ đạo các địa phương phát huy và khai thác hiệu quả giá trị sử dụng của các nhà văn hóa, đưa nhà văn hóa thôn thực sự trở thành nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa, nơi liên kết tình cảm "làng xóm, láng giềng" của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đến nay, tất cả 177 thôn, tổ dân phố đều có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn, có 89/177 nhà văn hóa đủ các điều kiện đạt nhà văn hóa số.
Đặc biệt, huyện Yên Bình đã phối hợp với VNPT, Viettel triển khai lắp đường truyền và nâng cấp đường truyền đến nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trong toàn huyện. Tới đây, huyện tiếp tục chỉ đạo các nhà văn hóa đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư hệ thống âm thanh và tuyền hình.
Từ khi có nhà văn hóa số, mọi công việc hội họp của chi bộ, của thôn, xóm được triển khai thuận lợi hơn, nhất là việc triển khai học tập các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây vừa là nơi vui chơi, giải trí của nhân dân sau những giờ lao động, vừa là địa điểm để tổ chức các cuộc thi, các cuộc tuyên truyền, hướng dẫn về chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo, bảo tồn bản sắc văn hóa của nhân dân.