Ý kiến chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng Chính phủ là một nội dung trong Chỉ thị 01 ngày 8/2 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan báo chí tiếp tục tập trung tuyên truyền về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, trong đó có việc mở cửa trường học an toàn và từng bước mở cửa du lịch, hàng không quốc tế.

Cùng với đó, có những bài viết, phóng sự phản ánh về không khí ra quân thực hiện nhiệm vụ đầu năm mới của các cơ quan, địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, miền núi, hải đảo, tạo khí thế mới thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới; phổ biến các mô hình tốt, cách làm hay, gương điển hình; đấu tranh, phản bác thông tin xấu độc, tiêu cực, sai sự thật, cản trở công tác phòng, chống dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân.

Đồng thời, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền quảng bá hình ảnh dân tộc, vẻ đẹp truyền thống, giá trị nhân văn của Việt Nam tới công chúng trong và ngoài nước. Cập nhật kịp thời thông tin thị trường, giá cả hàng hóa, nhất là giá mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân; tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước, kịp thời thông báo diễn biến thời tiết, cảnh báo thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tăng cường bản tin về tình hình giao thông trong các ngày sau Tết Nguyên đán.

Bộ TT&TT cũng được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hoàn thành trong tháng 2/2022.

{keywords}
Mục tiêu của Việt Nam đến hết năm 2022 là có tên trong nhóm 80 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Chính phủ số. (Ảnh minh họa: Internet)

Đối với các bộ, ngành, địa phương, bên cạnh yêu cầu tổ chức thực hiện ngay các nhiệm vụ được giao tại Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt những nhiệm vụ được giao tại Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt ngày 6/1/2022. Tiếp tục duy trì, phát triển hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội.

Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ đôn đốc, hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương triển khai hiệu quả Quyết định 06 ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022 ban hành ngày 30/1, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh triển khai tích cực hơn nữa Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch hoạt động trong năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số.

Chiến lược Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số 2021 - 2025, định hướng tới năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6/2021 là kim chỉ nam xuyên suốt tất cả các hành động trong thập niên tới. Chiến lược đặt ra sứ mệnh và mục tiêu cao, đó là: Việt Nam có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, và thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên Hợp Quốc.

Về định hướng phát triển lĩnh vực ứng dụng CNTT và chuyển đổi số thời gian tới, Bộ TT&TT đã xác định rõ sẽ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, trọng tâm là phát triển các nền tảng số để cung cấp dịch vụ theo nhu cầu, ứng dụng công nghệ mới để cung cấp dịch vụ mới cho người dân; khai mở giá trị mới, tạo ra không gian phát triển đối với tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Nhiệm vụ cần tập trung trong năm 2022 của lĩnh vực chuyển đổi số là phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển hệ sinh thái số Việt Nam, với các nền tảng dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; từng bước tiến tới làm chủ công nghệ dùng chung, các dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; làm chủ công nghệ nền tảng tạo đột phá cho chuyển đổi sang nền tảng kinh tế số. Mở rộng không gian mạng quốc gia thông qua tăng cường phạm vi hoạt động của các nền tảng số Make in Vietnam có khả năng đi ra toàn cầu để chiếm lĩnh những không gian mới.

Đến hết năm 2022, Việt Nam vào nhóm 80 quốc gia dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong đánh giá, xếp hạng của Liên Hợp Quốc.

Vân Anh

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030

Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số vào năm 2030

“Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được phê duyệt, với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.