Theo HĐXX, Cơ quan điều tra đã phong tỏa hơn 107 tỷ đồng, là số dư trong 4 tài khoản của Công ty AIC tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Mỹ Đình.
Tại công văn số 1874, ngày 23/12/2022 của Ngân hàng BIDV Chi nhánh Mỹ Đình nêu: Trong số hơn 107 tỷ đồng kể trên, có hơn 102 tỷ đồng là số dư trên 2 tài khoản không thuộc quyền sở hữu và định đoạt của Công ty AIC.
Giữa Công ty AIC và một cơ quan nhà nước có ký hợp đồng kinh tế. Số tiền hiện có và số tiền nằm trong 2 tài khoản trên là của đơn vị kia tạm ứng cho công ty AIC nhằm thực hiện 2 hợp đồng, hiện chưa được quyết toán, giải tỏa cho Công ty AIC bởi công ty chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng đã ký.
Do đó, về bản chất, số tiền hơn 102 tỷ đồng nêu trên không thuộc quyền sở hữu, định đoạt của Công ty AIC khi chưa có văn bản đề nghị giải tỏa của đơn vị trên.
Đối với số tiền trên 2 tài khoản còn lại có giá trị hơn 4 tỷ đồng, số tiền này được Ngân hàng BIDV Chi nhánh Mỹ Đình phong tỏa tại thời điểm phát hành bảo lãnh để đảm bảo nghĩa vụ bảo lãnh của Công ty AIC.
Hiện, Công ty AIC đang có dư nợ quá hạn tại BIDV Chi nhánh Mỹ Đình, với số tiền gốc là hơn 12 tỷ đồng và lãi phí phạt phát sinh, cùng số dư bảo lãnh hơn 7 tỷ đồng. BIDV Chi nhánh Mỹ Đình đề nghị HĐXX xem xét giải tỏa số tiền hơn 4 tỷ đồng để ngân hàng thu hồi khoản nợ.
HĐXX cho rằng, cần tiếp tục điều tra làm rõ đối với số tiền hơn 107 tỷ đồng nêu trên nên giao cho VKSND Tối cao tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu điều tra về khu đất hơn 4.000 m2 bị kê biên
Trong vụ án này, Cơ quan điều tra kê biên các tài sản gồm: 1 biệt thự diện tích 357m2 tại phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (nhờ bố đẻ đứng tên); 1 biệt thự 453m2 tại phố Nguyễn Huy Tự, Hà Nội, đứng tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn; 6 căn hộ tại Chung cư Pacific Palace ở 83D phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội đứng tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn; thửa đất diện tích 4.065m2 tại lô F1, F2 thuộc Dự án đấu giá sử dụng ruộng đất phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, HĐXX nhận thấy, nguồn gốc thửa đất diện tích 4.065m2 kể trên là của Nhà nước cho Công ty CP BĐS AIC thuê từ năm 2010 và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thời điểm đó, sáng lập công ty gồm 5 cổ đông, trong đó bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đại diện Công ty AIC góp vốn 60 tỷ đồng, sở hữu 600 ngàn cổ phần (chiếm tỷ lệ 17,14% vốn điều lệ); cá nhân bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn góp vốn 125 tỷ đồng, sở hữu 1,25 triệu cổ phần (tương ứng với 35,72% vốn điều lệ).
Năm 2013, Công ty CP BĐS AIC được cấp giấy phép đầu tư, nội dung đầu tư xây dựng trụ sở văn phòng, kết hợp bãi đỗ xe tại ô đất F1, F2, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Quá trình hoạt động, công ty đã 16 lần đăng ký thay đổi thông tin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Tháng 2/2021, bà Nhàn cùng 11 cổ đông sở hữu 6,3 triệu cổ phần, tỷ lệ góp vốn 100% vốn điều lệ Công ty CP BĐS AIC, đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần hơn 1.300 tỷ đồng cho 3 công ty sau: Công ty cổ phần Bất động sản Greenland, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thái Sơn, Công ty cổ phần Phát triển Thành phố Xanh.
Ngày 28/5/2021 và 24/1/2022, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã nhận thanh toán hơn 230 tỷ đồng của Công ty CP BĐS Greenland. Số tiền chưa thanh toán là hơn 468 tỷ đồng.
Như vậy, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn không còn là cổ đông của Công ty CP BĐS AIC. HĐXX cho rằng, với các tài liệu trong hồ sơ thì chưa thể xác định số tiền Công ty CP BĐS AIC tính đến nay đã thanh toán đầy đủ cho bà Nhàn hay chưa.
Do đó, cần giao khối tài sản trên cho VKSND Tối cao để tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
HĐXX buộc bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn phải liên đới bồi thường 103 tỷ đồng; 2 Phó Tổng giám đốc Công ty AIC Hoàng Thị Thúy Nga và Trần Mạnh Hà phải liên đới bồi thường mỗi bị cáo 15 tỷ đồng; Công ty AIC cũng phải bồi thường 15 tỷ đồng. |