Nằm giữa hai đại dương lớn thứ nhất và thứ ba trên thế giới, với nguồn tài nguyên phong phú, Biển Đông đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với các nước trong và ngoài khu vực. Chính vì vậy, những diễn biến tại Biển Đông luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Những tháng vừa qua, một lần nữa các nước trong và ngoài khu vực lại phải lên tiếng phản đối hành vi bất hợp pháp, xâm hại quyền lợi chính đáng của các quốc gia ven biển, làm leo thang căng thẳng, cũng như đe doạ đến hoà bình, ổn định, tự do, an toàn hàng hải và hàng không ở vùng biển có vị trí chiến lược này.
Nguyên nhân khiến Biển Đông căng thẳng
Từ ngày 4/7/2019, tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 (HD8) của Trung Quốc với sự hỗ trợ của hàng chục tàu hải cảnh, dân binh và hậu cần đã tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép trên một phạm vi rộng lớn tại phía Nam Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn của Việt Nam.
Các hoạt động của nhóm tàu HD8 đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Trước đó, cũng có thông tin về việc Trung Quốc có những hành vi vi phạm vùng biển của một số quốc gia ven Biển Đông khác như Malaysia và Philippines.
Đằng sau những hành vi vi phạm nói trên của Trung Quốc là ý đồ khống chế và kiểm soát Biển Đông thông qua việc thúc đẩy những yêu sách biển bất hợp pháp, hoàn toàn trái với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Trung Quốc là thành viên và đã được chỉ rõ trong Phán quyết của Toà Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông có giá trị ràng buộc đối với Trung Quốc.
Việc Trung Quốc thúc đẩy những yêu sách biển bất hợp pháp đã và đang đe doạ trực tiếp đến tính toàn vẹn của UNCLOS và trật tự biển dựa trên luật lệ mà cộng đồng quốc tế đã dày công xây dựng, duy trì; thách thức giá trị của hệ thống giải quyết tranh chấp của Công ước.
Lợi ích thiết thân của nhiều nước trong và ngoài khu vực, cũng như của cộng đồng quốc tế nói chung đang bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó an ninh khu vực và quốc tế, an toàn, tự do hàng hải ở Biển Đông đang bị đe doạ; các nỗ lực tạo dựng và duy trì môi trường hoà bình phục vụ phát triển kinh tế ở khu vực bị cản trở.
Tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc. Ảnh: Schottel |
Các nước trong và ngoài khu vực đã dành sự quan tâm lớn đến hoạt động của nhóm tàu HD8 - nguồn gốc của sự gia tăng căng thẳng hiện nay.
Đặc biệt, sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, nhiều nước trong và ngoài khu vực đã công khai bày tỏ quan ngại, lên án, phản đối hoạt động vi phạm của nhóm tàu HD8 tại vùng biển Việt Nam.
Cụm từ “nghiêm trọng” được đưa vào thông cáo chung
Trong 10 quốc gia thành viên ASEAN có đến 8 nước là các quốc gia ven Biển Đông gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Campuchia.
Đối với 8 nước này, Biển Đông đóng vai trò trọng yếu trong việc bảo đảm an ninh - quốc phòng, duy trì môi trường hoà bình ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - thương mại. Hai nước còn lại là Lào và Myanmar không phải là quốc gia ven Biển Đông nhưng đều có lợi ích đối với việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định tại Biển Đông cũng như trong khu vực nói chung.
Ngày 31/7/2019, ngoại trưởng các nước ASEAN ra thông cáo chung khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), nhấn mạnh giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, kêu gọi các bên kiềm chế, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN diễn ra qua tại Thái Lan. Ảnh: Kyodonews |
Đặc biệt, thông cáo chung bày tỏ lo ngại về các hoạt động cải tạo đảo và “những vụ việc nghiêm trọng trong khu vực đã làm xói mòn lòng tin cũng như sự tin tưởng, làm gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2016, cụm từ “nghiêm trọng” được đưa vào thông cáo chung của Ngoại trưởng các nước trong khu vực.
Bên cạnh thông cáo của hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, các nước trong khu vực còn thể hiện lập trường thông qua các tuyên bố riêng hoặc song phương.
Như trong tuyên bố với Việt Nam ngày 28/8, Malaysia bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về những diễn biến gần đây ở Biển Đông, đề nghị tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển như quy định tại UNCLOS, kêu gọi tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý; qua đó ngầm bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh và khẳng định giá trị vụ kiện trọng tài Biển Đông.
Tôn trọng trật tự biển dựa trên luật lệ
Tình hình Biển Đông và việc tàu HD8 vi phạm chủ quyền Việt Nam cũng thu hút sự chú ý của các nước quan trọng khác ở châu Á, như Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc - đây đều là những nước có lợi ích thiết thân trong việc duy trì hoà bình ổn định, trật tự pháp luật tại vùng biển kết nối giữa Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Australia đã hai lần bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông trong tuyên bố chung với Nhật, Mỹ ngày 2/8 và trong tuyên bố chung với Mỹ ngày 4/8. Hai văn bản đánh dấu lần đầu tiên Australia công khai ủng hộ các dự án dầu khí lâu đời của các nước ven Biển Đông và phản đối việc cản phá các dự án này.
Nhật Bản, ngoài tuyên bố chung với Australia và Mỹ ngày 2/8, đã hai lần lên tiếng vào các ngày 31/7 và 27/8 về tình hình “nghiêm trọng” ở Biển Đông, lên án các hoạt động quân sự hoá, dọa nạt, nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông.
Ấn Độ cũng hai lần lên tiếng về tình Biển Đông vào các ngày 2/8 và 29/8, khẳng định những lợi ích mật thiết của Ấn Độ ở Biển Đông, kêu gọi tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao, ủng hộ hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở tại các vùng biển quốc tế theo đúng các luật quốc tế.
Hàn Quốc, vào ngày 2/8, phát biểu đề nghị tôn trọng trật tự biển dựa trên luật lệ, phi quân sự hoá, kêu gọi bảo đảm an toàn hàng hải và hoà bình ở khu vực Biển Đông.
* Còn tiếp
Song An
Thượng tôn pháp luật: Lời giải cho hòa bình Biển Đông
Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei đều phê chuẩn UNCLOS. Công ước này nghiêm cấm sử dụng, đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp trên biển.