Thực tế việc xảy ra cháy đối với tàu thuyền trên biển cũng không hiếm, trong đó có nhiều vụ tài sản bị thiêu rụi.

Ngày 2/8, tàu du lịch của tỉnh Quảng Ninh bất ngờ bốc cháy dữ dội trên khu vực biển Đầu Chu, huyện Cát Hải (Hải Phòng). Nhận được tin báo, lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hải Phòng đã nhanh chóng triển khai công tác dập lửa.

Thời điểm vụ cháy bùng phát, trên tàu có 6 thuyền viên, may mắn tất cả đã kịp thời thoát nạn trước khi con tàu chìm trong biển lửa với cột khó đen nghi ngút, bốc cao cả trăm mét.

Phải mất hơn một giờ nỗ lực dập lửa, đám cháy mới được khống chế. Tuy nhiên, do con tàu được làm bằng vật liệu gỗ nên đã bị hư hại nặng nề.

W-z4743554036748-9019340f96206f66a6ca77fdae77ee1b-1.jpg
Cảnh sát PCCC diễn tập cứu hộ cứu nạn với tàu thuyền du lịch

Trước đó, ngày 22/11/2021, trên vùng biển thuộc phường Bãi Cháy, TP Hạ Long (Quảng Ninh) cũng ghi nhận hỏa hoạn trên hai tàu du lịch. Theo thông tin từ lực lượng chức năng, vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn, do hai tàu di chuyển gần nhau nên ngọn lửa đã cháy lan từ tàu này sang tàu kia.

Lực lượng PCCC đã được triển khai ngay tới hiện trường. Tuy nhiên, do điều kiện gió lớn nên lửa lan nhanh, lực lượng cứu hỏa phải mất nhiều giờ đồng hồ dập lửa mới có thể khống chế được đám cháy trên hai con tàu này. Dù không gây thiệt hại về người nhưng vụ cháy thiêu rụi nhiều tài sản.

Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ cháy liên quan tới tàu du lịch đã xảy ra. Theo đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), việc triển khai các biện pháp chữa cháy đối với loại hình phương tiện này gặp nhiều khó khăn do các phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ trên biển còn hạn chế.

Đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH lý giải, khi tiến hành công tác chữa cháy đối với tàu thuyền, lực lượng chức năng phải tính tới yếu tố bảo vệ tính ổn định của tàu, tránh làm lật hoặc chìm tàu. Do đó, việc triển khai cứu nạn cứu hộ sẽ bị hạn chế hơn nhiều.

Vị đại diện này cho biết, nguy cơ chủ yếu dẫn tới các sự cố cháy nổ trên tàu thuyền phần lớn là do sử dụng quá nhiều các thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn, không theo thiết kế. Ngoài ra, các đám cháy cũng có thể bùng phát từ chập điện, hút thuốc sai nơi quy định, hoạt động nấu nướng trên tàu không đảm bảo, sửa chữa sai quy trình, tiếp nhiên liệu…

W-z4743554010812-50655b0f7d655c93b695a22725d1265f-1.jpg
Các thuyền viên cần được tập huấn các kỹ năng PCCC

Để hạn chế, giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy nổ đối với loại hình tàu du lịch, vị đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH khuyến cáo các chủ tàu cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cho các thuyền viên về những quy định trong luật PCCC, tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC.

Luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức về an toàn PCCC để đảm bảo an toàn tính mạng cho các thành viên và hành khác.

Các thuyền viên trên tàu cũng cần được tập huấn đầy đủ các kỹ năng PCCC như sử dụng bình chữa cháy tại chỗ, hướng dẫn cách kiểm tra các trang thiết bị PCCC&CNCH tại chỗ trên tàu.

Ngoài ra, các chủ đầu tư cũng cần phải thường xuyên kiểm tra, kiểm định, thay thế các thiết bị PCCC để phòng ngừa khi có tình huống cháy nổ xảy ra, những thiết bị này vẫn có thể sử dụng được.

Đình Thành và nhóm PV, BTV