Trao đổi với PV VietNamNet, PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống (Đại học Quốc Gia Hà Nội) cho biết: “Tình trạng bắt cóc trẻ em không phải xảy ra ở thời điểm này, mà đã xảy ra từ lâu rồi. Mục đích của bắt cóc trẻ em là chiếm đoạt tài sản và giải quyết mâu thuẫn hoặc bị dụ dỗ lôi kéo gì đó..."
Tuy nhiên, việc bắt cóc trẻ em chủ yếu là chiếm đoạt tài sản và giải quyết mâu thuẫn. Để đạt được mục đích và hành vi, đối tượng thường hành động có tính chất nguy hiểm, manh động và rất nghiêm trọng dẫn đến hậu quả chết người, nên bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc... Chính vì vậy, các đối tượng bắt cóc trẻ em thường chuẩn bị rất kỹ về kế hoạch, phương thức, công cụ, phương tiện.
Theo PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn, các đối tượng còn lên dự kiến về đường đi, nước bước, cách gây áp lực với gia đình nạn nhân, để đòi tiền chuộc... đưa các cháu (con tin - PV) đến chỗ nào để đảm bảo an toàn cho đối tượng bắt cóc, không bị phát hiện, không bị xử lý. Và cuối cùng là để đạt được mục đích lấy tiền chuộc hoặc trả thù với gia đình nạn nhân.
Các hình thức bắt cóc trẻ em cũng rất nhiều như: Mua bán người, đòi tiền chuộc, mâu thuẫn cá nhân, làm con nuôi, bán ra nước ngoài.
Còn nói về yếu tố tình thân, PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, phân tích: “Phần lớn các vụ bắt cóc trẻ em là giữa gia đình nạn nhân và đối tượng có mối quan hệ biết rõ về nhau như: Thông tin, quy luật sinh hoạt, điều kiện kinh tế và cách thức bảo vệ người thân trong quan hệ xã hội (bảo vệ con - PV).
Nắm được những thông tin nêu trên, đối tượng mới tiếp cận các cháu (con của nạn nhân - PV) một cách thuận lợi nhất, an toàn nhất. Đồng thời, đối tượng cũng biết kinh tế của gia đình các cháu, để mà đòi tiền chuộc. Nếu gia đình nhà anh A. rất nghèo, đối tượng bắt cóc để làm gì?.
Ngoài ra, đối tượng còn tìm hiểu rất kỹ các điều kiện đáp ứng của gia đình các cháu, để đặt ra yêu cầu đòi hỏi. Những vụ như vậy, đa phần có biết nhau, có thông tin về kinh tế, đời sống sinh hoạt giữa nạn nhân và đối tượng.
PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn cũng nêu, ở đây, không có chuyện những người thân lại bắt cóc con, cháu, chắt của họ. Tình thân trong những vụ bắt cóc là khi đối tượng đã rơi vào hoàn cảnh nợ nần như Giáp Thị Huyền Trang, bắt cóc bé 2 tuổi, nên tính quẩn và biết được kinh tế của gia đình bé 2 tuổi, nếu bắt cóc sẽ đòi được tiền chuộc cao.
"Khi đối tượng liều lĩnh, họ nghĩ ngay đến việc bắt cóc trẻ em để giải quyết vướng mắc về nợ nần... nên tiếp cận nạn nhân và ra tay hành động”, PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn nói.
Theo PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn, trong tội phạm học ở trong nước và thế giới, chưa có nghiên cứu nào về đối tượng bắt cóc trẻ em lại là người thân mà vấn đề chính là phương thức, thủ đoạn của tội phạm. Yếu tố tình thân ở đây là có quan hệ gần gũi, thân thiết với gia đình của các cháu. Đó chính là cách thức để đối tượng tiếp cận, nắm bắt, che giấu phương tiện thủ đoạn tốt hơn.
Không chỉ có vậy, đối tượng bắt cóc đưa ra yêu cầu, yêu sách, sử dụng các cháu tốt hơn, nên rất thuận lợi khi gây án. Thường đối tượng gây án có nhu cầu rất cao về kinh tế và có mâu thuẫn với gia đình nạn nhân, nên nảy sinh vấn đề bắt cóc.
Tình thân là nắm được gia đình các cháu có kinh tế, tiếp cận các cháu, điều hướng các cháu đi đến các địa bàn khác dễ hơn. Thầy cô giáo dễ bị đánh lừa hơn. Tất cả những nội dung nói trên là hành vi che giấu tội phạm và thực hiện hành vi tội phạm tốt hơn. Đồng thời gây áp lực gia đình các cháu, để đạt được mục tiêu của mình đề ra tốt hơn.
"Loại tội phạm bắt cóc trẻ em chỉ có mẫu số chung nó là như vậy, không có gì khác so với trước đây và hiện tại cũng như sau này", PGS.TS. Đỗ Cảnh Thìn nhìn nhận.