Kể từ năm 2006, YouTube bắt đầu thử nghiệm quảng cáo trong video, đó là bước đệm để nền tảng này cho ra đời chương trình YouTube Partner với mục tiêu chia sẻ doanh thu quảng cáo cho những người làm nội dung.

Kể từ đó đến nay, thống kê mới nhất cho thấy có 50 triệu người làm nội dung đang đều đặn sản xuất 500 giờ xem mỗi phút để kéo về cho YouTube 2 tỷ người dùng toàn cầu. Báo cáo thường niên năm 2019 của Google cho biết YouTube đem về 15 tỷ USD cho gã khổng lồ tìm kiếm và đóng góp 10% vào tổng doanh thu. Đây quả là một khoản đầu tư bội thu nếu so với việc Google chỉ bỏ ra 1,65 tỷ USD để mua lại YouTube vào năm 2006.

{keywords}
Hưng Vlog đã hai lần bị xử phạt trong vòng 1 tháng qua vì làm video vi phạm thuần phong mỹ tục, nhưng vẫn còn không ít YouTuber khác làm video vô bổ, nhảm nhí chưa bị xử phạt.

Đó là lý do vì sao YouTube không thể sống thiếu Hưng Vlog, NTN Vlogs hay những người làm nội dung hái ra tiền cho nền tảng này. Cơ chế chia sẻ doanh thu dù rằng cực thấp ở Việt Nam nhưng vẫn trở thành món hời béo bở cho những người trẻ muốn một bước đổi đời. 

Theo các chuyên gia, RPM (Revenue per impression - là doanh thu mỗi 1.000 lượt hiển thị quảng cáo) của các nền tảng chia sẻ doanh thu như YouTube ở Việt Nam là vô cùng thấp, dao động dưới 0,2 USD so với trên dưới 2 USD ở Mỹ. 

Nói một cách đơn giản, video 1 triệu lượt xem ở Việt Nam sẽ nhận được khoảng 200-300 USD doanh thu, chưa tính khoản phải chia lại cho mạng lưới đa kênh (multi-channel network - MCN). Do đó, nhiều YouTuber ở Việt Nam cố gắng tìm cách câu view bù lại cho nội dung kém chất lượng và những video nhảm nhí, vô bổ đã ra đời. 

Hơn thế, kênh càng nhỏ càng phải chia sẻ lại cho MCN càng nhiều, tỷ lệ có thể lên tới 50% doanh thu và ngược lại. Vì thế, người làm nội dung giống như con thiêu thân lao đầu vào sản xuất video độc hại. Bù lại, MCN giống như một đơn vị ‘bảo kê’ giúp họ yên tâm không bị ăn gậy và được bảo vệ nội dung mình sáng tạo ra. Nhờ đó, YouTube cứ đều đặn thu tiền từ quảng cáo còn người làm nội dung yên tâm làm video. 

{keywords}
Anh em nhà Tam Mao 'khoe' khoản thu nhập khủng từ YouTube càng khiến người làm nội dung khác như con thiêu thân nhảy vào cuộc chơi sản xuất nội dung xấu độc.

Dù vậy, số tiền mà các YouTuber Việt kiếm được nhờ làm nội dung gây tranh cãi vẫn rất lớn. Anh em nhà Tam Mao mới đây ‘khoe’ khoản nộp thuế hơn 214 triệu đồng trên khoản thu nhập thực nhận từ YouTube là hơn 4,7 tỷ đồng sau 2 năm. Ma lực này càng khiến những NTN Vlogs, PHD Troll, hay Hưng Vlog đâm đầu vào làm video nhảm nhí cho YouTube bất kể ngày đêm. 

YouTube có thể trừng phạt rất mạnh tay các MCN như trường hợp của Defy Media bị đóng cửa hồi năm 2018 hay Yeah1 bị tuyên bố dừng hợp tác năm 2019. Thế nhưng, nền tảng này hiếm khi áp dụng biện pháp trừng phạt xóa các kênh lớn, bởi như thế không khác gì tự đập bỏ chén cơm của chính mình. 

Thậm chí, YouTube còn dung túng cho những người làm nội dung sai trái. Chẳng hạn, NTN Vlogs sau rất nhiều lần làm video có nội dung nhảm nhí, vô bổ, bị người dùng phản đối gay gắt mà chỉ bị YouTube tắt kiếm tiền trong một khoảng thời gian nhất định. 

Hết thời hạn, Nguyễn Thành Nam tiếp tục cho ra đời các clip mới vô bổ và chỉ đến khi cơ quan chức năng vào cuộc xử phạt Hưng Vlog, YouTuber sinh năm 1994 này mới tự xóa đi 6 video nhảm nhí sau nhiều năm tồn tại. 

{keywords}
YouTube thường để mặc những nhà sáng tạo nội dung làm gì tùy thích miễn là không vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng và gắn mác 18+. (Trong ảnh: YouTuber gây tranh cãi Logan Paul và trò lừa mới nhất thẻ Pokemon trị giá 150.000 USD)

Có thể thấy, luận điệu chung mà YouTube đưa ra là không vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng, mà dù có vi phạm cũng có thể ‘lấp liếm’ bằng công cụ giới hạn độ tuổi 18+ (Age-Restricted). Một trường hợp kinh điển là hot girl Instagram bán nước tắm dở của mình với giá 30 USD/lọ và ngay lập tức bị nền tảng này ‘trảm’ luôn tài khoản hơn 4,5 triệu người theo dõi hồi năm 2019. Tháng 6 năm nay, hot girl gốc Nam Phi quay trở lại trên YouTube để tiếp tục quay video gắn mác 18+ và bán những sản phẩm ‘nhạy cảm’. Sau một thời gian ngắn, đã có hơn 1,71 triệu người subscribe kênh của cô nàng này và YouTube không có lý do gì dẹp bỏ nó dù gặp phải vô vàn bình luận phản đối. 

Tác hại của các video nhảm nhí là rất dễ nhận thấy, nhưng việc ngăn chặn và quản lý chúng lại không được YouTube thực hiện triệt để. Trong khi đó, cái lợi trước mắt khiến các YouTuber khó cưỡng lại được. Vì thế, mặc cho dư luận phản đối, báo chí lên tiếng, YouTube vẫn từng ngày từng giờ để cho video xấu độc làm bẩn không gian mạng của không chỉ Việt Nam mà còn trên toàn cầu.

Phương Nguyễn

Sau Hưng Vlog, nhiều YouTuber vội vàng xóa video nhảm nhí, xấu độc

Sau Hưng Vlog, nhiều YouTuber vội vàng xóa video nhảm nhí, xấu độc

Trong lúc dư luận xã hội bày tỏ sự phản đối gay gắt với các video nhảm nhí của Hưng Vlog, các YouTuber khác đã âm thầm ẩn hoặc xóa video gây tranh cãi.