Sau phản ánh của ICTnews về các mẫu quảng cáo thuốc cam kết chữa khỏi 100% trên YouTube thời gian gần đây, đại diện phát ngôn của nền tảng này cho biết sẽ gỡ bỏ nếu phát hiện những quảng cáo thuốc vi phạm chính sách.
Cụ thể, trong email phản hồi, đại diện YouTube cho biết có chính sách nghiêm ngặt để quản lý các loại quảng cáo được phép trên nền tảng của mình, bao gồm chính sách về chăm sóc sức khỏe và thuốc.
Căn cứ vào chính sách này, YouTube cho biết "khi phát hiện thấy những quảng cáo vi phạm chính sách của mình, chúng tôi sẽ nhanh chóng gỡ bỏ chúng".
Tuy nhiên, đại diện YouTube không nói rõ cách thức phát hiện và có gỡ bỏ các quảng cáo thuốc như ICTnews đã đề cập ở bài viết trước hay không.
Google không có chính sách riêng về quảng cáo thuốc ở Việt Nam hoặc chính sách dựa trên các quy định pháp luật của nước ta. |
Để biết quảng cáo nào là vi phạm chính sách, Google (công ty mẹ của YouTube) cung cấp một chính sách quảng cáo chung trên tất cả nền tảng của mình. Theo đó, Google có các chính sách hạn chế quảng cáo thuốc theo toa, thuốc không kê đơn, thuật ngữ thuốc và chất không được chấp thuận cùng các hạn chế khác. Tuy nhiên, hạn chế của Google chủ yếu nhắm vào các thành phần, tá dược phương Tây trong khi những mẫu quảng cáo thuốc ở Việt Nam lại khéo léo lách luật bằng các thành phần là rễ cây, thân cây, vỏ cây... gọi chung là thuốc Nam hoặc thuốc Đông y gia truyền.
Quảng cáo thuốc 'mập mờ đánh lận con đen' vẫn hoành hành trên nền tảng YouTube của Google. |
Căn cứ vào chính sách của Google, không có chính sách riêng về quảng cáo thuốc ở thị trường Việt Nam hoặc dựa trên các quy định của pháp luật Việt Nam. Do đó, chỉ Google mới có đủ thẩm quyền để kết luận các quảng cáo thuốc ở Việt Nam mà ICTnews từng đề cập là có vi phạm chính sách hay không. Người tiêu dùng không có cách nào khác ngoài việc phải đề cao cảnh giác, không nên vội vàng tin tưởng các quảng cáo trên mạng nói chung và YouTube nói riêng.
Phương Nguyễn
Quảng cáo chữa khỏi bệnh tiểu đường, xương khớp lại ngập tràn YouTube
Thời gian gần đây, người xem YouTube Việt Nam lại bị tra tấn bởi quảng cáo thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.