LTS: TP.HCM và các tỉnh lân cận có nhiều ngôi chùa cổ không chỉ có kiến trúc đặc sắc mà còn sở hữu những pho tượng đặc biệt. Mỗi bức tượng của các chùa này đều ẩn giấu những câu chuyện, giá trị văn hóa tâm linh riêng.
VietNamNet giới thiệu loạt bài ghi lại những điều đặc biệt ở một số ngôi chùa có tượng Phật độc đáo. Các bài viết đem lại thông tin, giá trị mới của những ngôi chùa vốn đã là danh lam cổ tự.
Kỳ 1: Báu vật của ngôi chùa gần 300 tuổi có tượng Phật nằm dài nhất châu Á
Kỳ 2: Bí mật trăm năm của ngôi chùa có pho tượng được làm từ vật liệu bất ngờ
Kỳ 3: Những pho tượng kỳ lạ, dát vàng của ngôi chùa lấy tên từ tiếng hót chim phượng hoàng
Chùa “vạn Phật”
Lọt thỏm trong con hẻm trên đường Nghĩa Thục (quận 5, TP.HCM), chùa Vạn Phật thu hút đông đảo phật tử, khách tham quan chiêm bái mỗi ngày. Ngôi chùa được xây dựng từ năm 1959 này không có không gian xanh mát rợp bóng cây như nhiều cổ tự khác tại TP.HCM.
Tuy nhiên, chùa Vạn Phật vẫn thu hút khách thăm quan bởi kiến trúc độc đáo cùng hệ thống tượng phật được xếp vào hàng kỷ lục tại Việt Nam. Theo tài liệu của chùa, chùa Vạn Phật được Hòa thượng Đức Bổn, Diệu Hoa xây dựng năm 1959.
Ban đầu, cơ sở vật chất của chùa khá đơn sơ. Thời gian đầu, nơi đây được xây dựng để các tăng, ni, phật tử người Hoa của thành phố và các tỉnh lân cận tu học, lễ bái. Tuy nhiên, đợt trùng tu kéo dài từ năm 1998 đến năm 2008 đã đem lại một diện mạo mới cho ngôi chùa nhỏ.
Sau đợt trùng tu, trong diện tích khoảng 200m2, chùa Vạn Phật được xây cao, chia làm 5 tầng. Không gian, kiến trúc tại mỗi tầng đều mang đậm nét văn hoá của người Hoa như: cổng vòm, những án thờ dán giấy đỏ...
Trong đó, tầng 4 của chùa là tráng lệ hơn cả. Nơi đây cũng chính là chánh điện (còn gọi là Đại điện Quang Minh) của chùa. Chánh điện chùa Vạn Phật được bài trí bằng hệ thống tượng thờ vô cùng độc đáo.
Ở chính giữa Đại điện Quang Minh là tượng Đức Phật Tỳ Lô Giá Na có kích thước lớn, dáng vẻ uy nghi, ngự trên tòa sen ngàn cánh. Đài sen bằng đồng dưới chân tượng này cũng được chế tác tinh xảo. Ẩn sau 1.000 cánh sen này là những bức tượng phật nhỏ có màu trắng ngà.
Hai bên chính điện là tượng Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử và Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng 6 ngà. Đặc biệt, 4 bức tường của chính điện được bao phủ bởi 10.000 tượng phật.
Các pho tượng này được thiết kế với kích thước đa dạng, bài trí trong các ô bằng gỗ đều tăm tắp gắn trên tường. Để cho 4 bức vách không đơn điệu, chùa thiết kế, bài trí thêm một số ô đặt tượng phật có kích thước lớn hơn những ô còn lại.
Cách bài trí trên khiến không gian Đại điện Quang Minh không chỉ trang nghiêm mà còn hết sức hoành tráng. Ngoài hệ thống tượng thờ đặc sắc, chùa Vạn Phật cũng hấp dẫn khách thăm quan bởi sở hữu máy xin xăm tự động.
Xin xăm thời 4.0
Chiếc máy độc đáo nào được chùa Vạn Phật đặt tại đường vào dẫn vào chùa. Trông từ xa, chiếc máy xin xăm tự động có ngoại hình giống như một chiếc máy bán hàng tự động.
Máy có 2 phần. Phần trên được ốp kính, bên trong có tiểu cảnh chùa rất đẹp. Đặc biệt, trong tiểu cảnh này có tượng cô tiên nhỏ. Tượng này làm nhiệm vụ lấy thẻ xăm cho người xin.
Phần dưới cùng của máy là khe bỏ đồng xu. Tại đây, chùa dán bảng thông tin, hướng dẫn sử dụng máy xin xăm và bài trí một rổ đựng đồng xu để kích hoạt máy.
Bên trong máy chứa rất nhiều thẻ xăm. Các thẻ xăm cũng đã được dịch sẵn bằng 3 ngôn ngữ: Tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Anh.
Để xin xăm, người xin chỉ cần thành tâm khấn rồi bỏ một đồng xu vào máy. Khi máy được kích hoạt, tượng cô tiên ở phía trên sẽ lấy thẻ xăm cho người thỉnh. Quá trình trên diễn ra rất nhanh chóng.
Được biết, đây là chiếc máy xin xăm được Đại đức Thích Truyền Cường, Trụ trì chùa Vạn Phật đặt mua từ Đài Loan vào năm 2018. Ngay sau khi xuất hiện, chiếc máy đã thu hút rất nhiều phật tử, khách thăm quan đến trải nghiệm.
Đa số những người trải nghiệm đều rất thích thú với cách xin xăm mới lạ, độc đáo tại chùa. Chị Lê Hoa, khách thăm quan đến từ TP.Hải Phòng cho biết, đây là lần đầu tiên chị xin xăm theo hình thức này.
“Việc xin xăm tại đây rất tiện lợi. Tôi có thể xin được thẻ xăm một cách nhanh chóng và đơn giản. Hơn thế, do thẻ xăm đã được dịch, giải nghĩa sẵn nên tôi có thể hiểu ngay mà không phải tìm, đợi sư thầy giải”, chị Hoa nói.
Kỳ 5: Những bức tượng khổng lồ của ngôi chùa do Thiền sư Nhất Hạnh khởi xướng