LTS: TP.HCM và các tỉnh lân cận có nhiều ngôi chùa cổ không chỉ có kiến trúc đặc sắc mà còn sở hữu những pho tượng đặc biệt. Mỗi bức tượng của các chùa này đều ẩn giấu những câu chuyện, giá trị văn hóa tâm linh riêng.
VietNamNet giới thiệu loạt bài ghi lại những điều đặc biệt ở một số ngôi chùa có tượng Phật độc đáo. Các bài viết đem lại thông tin, giá trị mới của những ngôi chùa vốn đã là danh lam cổ tự.
Kỳ 1: Báu vật của ngôi chùa gần 300 tuổi có tượng Phật nằm dài nhất châu Á
Pho tượng đặc biệt
Như nhiều cổ tự khác tại tỉnh Bình Dương, chùa Tây Tạng (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) rợp bóng cây xanh. Theo các tài liệu của chùa, chùa Tây Tạng do Thiền sư Minh Tịnh sáng lập vào năm 1928 với tên gọi Bửu Hương Tự.
Lúc bấy giờ, chùa chỉ là một am nhỏ để thiền sư tu tập, phổ độ chúng sinh. Những năm ấy, chùa được dựng trên một gò đất cao. Khu vực này có nhiều cây cổ thụ khiến không gian tĩnh lặng, được xem là nơi có phong thủy giao hòa.
Năm 1937, Thiền sư Minh Tịnh đổi tên Bửu Hương Tự thành Tây Tạng Tự. Có tuổi đời gần 100 năm, trải qua nhiều lần trùng tu, chùa Tây Tạng vẫn giữ được kiến trúc đặc thù.
Sau lần đại trùng tu vào năm 1992, ngôi cổ tự có dáng dấp, kiến trúc gần giống với những ngôi chùa ở Tây Tạng. Chánh điện của chùa có cấu trúc hình khối vuông, chính giữa là ngôi tháp tứ giác có chiều cao trên 15m.
Ngoài tượng Phật Thích Ca uy linh cao hơn 2m, chánh điện của chùa còn có các tượng: Địa Tạng, Di Lặc, Phổ Hiền, Văn Thù, Quan Âm, Thế Chí…
Tuy nhiên, tượng Đạt Ma Sư Tổ với thần thái uy nghiêm nhưng vô cùng gần gũi được khách thăm quan chú ý hơn cả. Bởi, pho tượng này được tạo tác từ loại vật liệu vô cùng đặc biệt - đó là tóc của các Phật tử.
Tượng có khung bằng sắt, gồm 3 phần rời nhau. Tóc của các phật tử được kết dính bằng mật rỉ đường, vôi vữa và cố định vào khung sắt. Bức tượng có chiều cao 2,83m, chiều ngang 1,74m, được hoàn thành trong vòng hai năm.
Sau khi hoàn thiện, bức tượng mô tả hình tướng của vị Sư Tổ Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma đang bước đi. Trên vai, ông vác chiếc đòn gánh với đầu bên tay phải treo túi càn khôn, đầu bên trái treo hòm kinh Lăng Già.
Ngoài ra, đòn gánh còn treo một chiếc nón lá đậm chất Việt Nam. Bức tượng trên được sách kỷ lục Việt Nam xác nhận là bức tượng Bồ Đề Đạt Ma làm bằng tóc lớn nhất Việt Nam.
Tây du Phật quốc
Bên cạnh kiến trúc, bức tượng bằng tóc lớn nhất Việt Nam, chùa Tây Tạng còn nổi tiếng bởi câu chuyện thiền sư Minh Tịnh một mình Tây du sang đất Phật học đạo. Hành trình này được ông ghi lại trong cuốn nhật ký của mình.
Hiện, quyển nhật ký dày 300 trang được thiền sư viết tay bằng chữ Quốc ngữ xen lẫn ghi chú bằng tiếng Pháp, Anh, Tây Tạng, Phạn… vẫn được lưu giữ tại chùa.
Ngoài ra, hành trình trên cũng được ghi lại trong tác phẩm Sự tích Tây du Phật quốc do chính tay thiền sư ghi chép. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, có thể xem thiền sư Minh Tịnh như “tiểu Huyền Trang” của Việt Nam.
Theo sách Sự tích Tây du Phật quốc, thiền sư Minh Tịnh lên tàu tại Bến Nhà Rồng, vượt biển sang Ấn Độ vào ngày 17/4/1935. Sau 8 ngày lênh đênh trên biển, ông đến Ấn Độ.
Ngày 31/4, thiền sư đến thành Varanasi nằm trên bờ tây con sông Hằng thiêng liêng. Ngày 21/11/1935, thiền sư thăm Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) - nơi Đức Phật thành đạo.
Ông lưu lại đây hơn 1 tháng để tu tập. Sau đó, ông viếng động Dunghasiri, nơi Đức Phật Thích Ca từng tu tập khi ngài chưa thành đạo.
Sau khi đã viếng thăm hầu hết những thắng cảnh, chùa chiền gắn liền với Phật tích, ngày 29/1/1936, thiền sư Minh Tịnh chinh phục đỉnh Hymalaya tuyết phủ để thăm Nepal. Sau 6 tháng vượt núi, thiền sư mới đến được nước này.
Tại đây, thiền sư đến thăm bảo tháp Buddha Nath, nơi được công nhận là di sản văn hóa thế giới, kì quan linh thiêng nhất Nepal. Sau chuyến thăm Nepal, thiền sư tiếp tục đến Tây Tạng với mong ước được thỉnh Xá Lợi Phật về Việt Nam.
Tháng 2 cùng năm, với tấm lòng chân thành của mình, thiền sư thỉnh được Xá Lợi Phật về nước. Cũng trong chuyến thăm Tây Tạng, thiền sư vinh dự được gặp quốc vương nước này.
Ngưỡng mộ đạo hạnh, tấm lòng của thiền sư, ngày 4/10/1936, Quốc vương Tây Tạng ban cho ông pháp danh Thubten Osall Lama. Đây được xem là việc hy hữu và là vinh dự hiếm có trong suốt cuộc đời tu hành của người xuất gia.
Sau 2 năm vân du ở Phật quốc, ngày 27/5/1937, Thiền sư Minh Tịnh mang theo số Xá lợi Phật thỉnh được ở Tây Tạng về Việt Nam. Khi về nước, số Xá Lợi này được chia làm hai phần. Một phần được nghiêm thờ tại chùa Thiên Thai (Bà Rịa-Vũng Tàu), phần còn lại được thờ phụng ở chùa Tây Tạng.
Kỳ 3: Những pho tượng dát vàng của ngôi chùa lấy tên từ tiếng hót chim phượng hoàng