Theo thống kê của thế giới, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Tại Việt Nam, đột quỵ cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Người bệnh vượt qua cơn đột quỵ có thể đứng trước nguy cơ tàn phế, biến chứng như rối loạn nhận thức, mất khả năng vận động, khó khăn trong việc nói hoặc nuốt, rối loạn tâm lý... phải điều trị phục hồi chức năng rất lâu dài.
Theo bác sĩ Huỳnh Bá Tản - từng làm tại Trung tâm cấp cứu 115, TP.HCM, trong suốt thời gian làm công việc cấp cứu ngoại viện, ông nhận thấy tỷ lệ người đột quỵ có xu hướng trẻ hóa và đều có các yếu tố đi kèm:
1. Đàn ông thừa cân, béo phì.
2. Thường xuyên làm việc đêm hôm, trực gác ca đêm, thức khuya xem phim, mất ngủ kéo dài.
3. Căng thẳng, áp lực, lo lắng, biến cố trong cuộc sống.
4. Hút thuốc lá trên nửa gói/ngày, uống rượu bia tối thiểu 1 lần/tuần trong nhiều năm.
5. Môi trường làm việc hoặc nơi sống thiếu oxy: phòng máy lạnh, chung cư, cao ốc, sân khấu đông người, nhà hàng.
6. Tăng huyết áp nhưng không điều trị thường xuyên hoặc không ổn định.
7. Mắc bệnh tiểu đường nhưng không kiểm soát tốt chỉ số đường huyết.
8. Có bệnh lý tim mạch như bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim.
9. Rối loạn chuyển hóa mỡ, kèm một vài bệnh khác như viêm khớp, suy thận.
10. Đàn ông trung niên từng ghi nhận bệnh lý hẹp động mạch cảnh hay mạch máu não cần theo dõi đặc biệt.
Nếu bạn có nhiều yếu tố kể trên như đàn ông trung niên thừa cân, thường xuyên thức khuya hoặc làm việc đêm hôm, căng thẳng, lo lắng và có tiền sử bệnh huyết áp... nguy cơ đột quỵ cũng sẽ tăng lên.
Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng - Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết, bạn không thể dự đoán ai có thể bị đột quỵ trong tương lai nhưng có thể đánh giá sớm yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường.
Theo vị chuyên gia này, bất cứ ai cũng có thể đối mặt với đột quỵ, đặc biệt là những người trong nhóm nguy cơ. Vì vậy, bạn cần biết yếu tố nguy cơ của mình là gì, đặt mục tiêu phòng ngừa đột quỵ.
Đột quỵ có 2 loại nhồi máu não và xuất huyết não. Tỷ lệ nhồi máu não chiếm 85% các ca đột quỵ. Xuất huyết não chỉ chiếm 15%. Tuy nhiên, xuất huyết não cực kỳ nguy hiểm. Đến nay, xuất huyết não chưa có nhiều biện pháp điều trị hiệu quả. Một số cơ sở y tế có thể phẫu thuật xâm lấn tối thiểu dành cho bệnh nhân xuất huyết não đến viện trong 24 giờ, thể tích xuất huyết trên 30 ml, nhưng kết quả hồi phục khiêm tốn hơn nhồi máu não. Tỷ lệ tử vong của xuất huyết não lên đến 50% trong ba tháng đầu, tiên lượng phụ thuộc chủ yếu vào kích thước khối máu tụ trong não lớn hay nhỏ.
Xuất huyết não chủ yếu do tăng huyết áp không kiểm soát và một số trường hợp do dị dạng mạch máu não. Vì vậy, bác sĩ Thắng khuyến cáo kiểm soát yếu tố huyết áp cao rất quan trọng. Người bệnh tăng huyết áp phải dùng thuốc duy trì, không được tự ý bỏ thuốc. Người từng đột quỵ cũng cần phải sử dụng thuốc để phòng ngừa biến cố đột quỵ tiếp theo.