Trên ô tô hiện đại ngày nay, các tính năng an toàn có lẽ là những mục tiêu được các nhà sản xuất chú trọng trước áp lực từ chính sách bán xe ở nhiều nước ngày càng đòi hỏi cao về mức độ bảo vệ tính mạng con người.
Các tính năng an toàn trên ô tô được chia thành hai loại: chủ động và bị động. Đối với chủ động, tính năng đóng vai trò tích cực trong việc ngăn ngừa và cảnh báo va chạm, bao quát một hoặc nhiều vùng trên toàn bộ chiếc xe.
Trong khi an toàn bị động sẽ đóng vai trò bảo vệ và giảm những thương tích đối với người lái và hành khách trong trường hợp xấu.
Dưới đây, là 10 loại tính năng an toàn được đánh giá cao trên ô tô ngày nay.
10. Giao tiếp giữa xe với xe: Ngăn chặn 615.000 vụ tai nạn
Công nghệ giao tiếp giữa các phương tiện (V2V – Vehicle to Vehicle) là tính năng cho phép kết nối không dây giữa phương tiện này và phương tiện kia về tốc độ và vị trí. Điều này giúp ngăn ngừa tai nạn và tắc nghẽn giao thông.
Theo Cục quản lý An toàn giao thông Cao tốc quốc gia Mỹ (NHTSA), hệ thống V2V có thể giúp ngăn chặn hơn 615.000 vụ va chạm và cứu sống 1.366 người mỗi năm.
9. Phanh tự động khẩn cấp AEB: Ngăn ngừa sự cố tới 59%
Phanh tự động khẩn cấp (AEB) là loại trang bị an toàn bắt buộc hiện nay đối với xe ô tô lưu thông tại Mỹ vì nó cho phép phát hiện nhanh mối nguy hiểm tiềm ẩn phía trước xe và tự động sử dụng phanh để tránh va chạm trong trường hợp người điều khiển không thực hiện thao tác phanh kịp thời.
Một phiên bản tiên tiến hơn của AEB hiện nay được gọi là AEB quét giao lộ hoặc AEB giao lộ. Công nghệ sử dụng máy ảnh, radar và lidar để phát hiện phương tiện đi tới từ 4 phía ở các cung đường giao nhau và thông báo cho tài xế về khả năng va chạm.
Trong một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chuyên sâu về tai nạn (GIDAS) tại Đức cho thấy, hệ thống AEB giao lộ có tỷ lệ ngăn chặn va chạm hiệu quả tới 58%.
8. Camera Hồng ngoại nhìn đêm: Giảm thiểu tai nạn ban đêm và thời tiết khắc nghiệt
Mặc dù thường có ít phương tiện di chuyển vào ban đêm hơn, tuy nhiên theo Ủy ban châu Âu về Công nghiệp ô tô, có tới 42% vụ tai nạn giao thông gây chết người xảy ra vào điều kiện đêm tối.
Điều đó dẫn tới lý do về việc công nghệ về nhìn ảnh nhiệt, hồng ngoại trong ô tô là rất quan trọng trong điều kiện đêm tối hay thời tiết xấu.
Hệ thống sử dụng camera hồng ngoại, GPS, lidar và radar để phát hiện vật thể là người, động vật hoặc phương tiện để cảnh báo cho tài xế thông qua màn hình hiển thị.
Dù cho công nghệ này đã được áp dụng lần đầu từ năm 2000, tuy nhiên cho tới nay, đây vẫn là một loại hình đảm bảo an toàn chưa phổ biến bởi chi phí đắt đỏ, thường mới chỉ được thấy trên các phương tiện đắt tiền như Mercedes Benz S-Class, Audi A6, BMW 7 Series và Lexus GS.
7. Hệ thống phát hiện tình trạng buồn ngủ của lái xe
Theo Hội đồng An toàn quốc gia (Mỹ), lái xe sau hơn 20 giờ không ngủ tương tự như việc lái xe với nồng độ cồn trong máu là 0,08%. Hơn nữa, khả năng tai nạn sẽ tăng gấp 3 lần nếu bạn lái xe trong điều kiện mệt mỏi.
NHTSA công bố, khoảng 100.000 vụ tai nạn giao thông diễn ra bởi xe mất lái do tài xế buồn ngủ được cảnh báo xảy ra mỗi năm, trong đó 633 trường hợp tử vong bởi lỗi này đã được ghi nhận trong năm 2020.
Đây là lý do mà hệ thống cảnh báo buồn ngủ và cảnh báo đi chệch làn đường là vô cùng quan trọng, giúp phát hiện các trường hợp lái xe buồn ngủ rất phổ biến và cảnh báo bạn phải nghỉ ngơi.
6. Camera lùi: Giảm 42% tỷ lệ va chạm khi lùi xe
Camera lùi, camera chiếu hậu hoặc camera dự phòng hiện là tính năng tiêu chuẩn của mọi loại ô tô hiện đại. Theo Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc (IIHS), khoảng 300 người thiệt mạng và 18.000 người bị thương mỗi năm do tài xế không thể thấy người đi bộ, đa số là trẻ em ở phía sau xe của họ khi lùi xe.
Cũng theo IIHS, trong năm 2019, camera lùi và cảm biến xe phía sau đã giúp giảm 42% tỷ lệ va chạm khi lùi xe.
5. Hệ thống cảnh báo điểm mù: Giảm 14% va chạm liên quan đến làn đường
Camera, cảm biến điểm mù thường được gắn bên hông xe sẽ phát hiện khi có phương tiện, vật thể đi vào điểm mù của phương tiện. Tùy thuộc vào từng ô tô mà loại cảnh báo có thể truyền hình ảnh, tin nhắn hoặc âm thanh cảnh báo về phương tiện đi vào điểm mù.
Theo IIHS, hệ thống cảnh báo điểm mù đã giảm khoảng 14% các vụ va chạm liên quan đến làn đường và mức độ nghiêm trọng của va chạm gây ra khi tài xế chuyển làn hay nhập làn tới 23%.
4. Túi khí tiên tiến; Cứu sống hơn 50.000 mạng sống
Khi túi khí xuất hiện đã giúp bảo vệ cuộc sống tài xế và hành khách, nhưng cũng có các báo cáo về việc người ngồi xe bị thương, thậm chí tử vong vì túi khí bung ra.
Do đó, vào năm 2006, Tiêu chuẩn An toàn Phương tiện cơ giới Liên bang (FMVSS) đã bắt buộc các nhà sản xuất phải lắp đặt loại túi khí tiên tiến trên xe chở khách và xe tải hạng nhẹ.
Túi khí tiên tiến an toàn hơn rất nhiều so với túi khí truyền thống khi chúng còn đi kèm với các cảm biến hiện đại, triển khai dựa trên kích thước và trọng lượng của người ngồi trên xe, khoảng cách giữa các vị trí ngồi và mức độ nghiêm trọng của vụ va chạm. Tính đến năm 2017, theo NHTSA ước tính, túi khí tiên tiến đã cứu mạng hơn 50.457 người.
3. Đèn pha cảm ứng
Đèn pha cảm ứng, hay còn gọi là đèn pha thông minh, là loại đèn pha mới vừa được cấp phép sử dụng tại thị trường Mỹ, chúng phức tạp hơn rất nhiều so với đèn pha tiêu chuẩn đang được trang bị trên hầu hết các loại ô tô đang lưu thông hiện nay.
Về cơ bản, đây là một loại đèn sử dụng camera và cảm biến để điều chỉnh độ sáng và hướng của ánh sáng chiếu xa tùy thuộc vào điều kiện lái xe.
Nó tự động điều chỉnh ánh sáng từ mờ lên cao độ khi ô tô đạt tốc độ từ chậm lên nhanh. Hàng loạt các hãng xe sang như BMW, Audi, Cadillac đều đang cung cấp trang bị đèn pha cảm ứng cho một số mẫu xe.
2. Hệ thống cảm biến va chạm phía trước: Giảm 22% tỷ lệ va chạm với xe phía trước
Khi di chuyển trên cao tốc, việc xe phía trước bất ngờ chuyển làn hay giảm tốc độ đột ngột có thể dẫn tới việc xe phía sau không phản ứng kịp thời và xảy ra va chạm đáng tiếc. Đây là lí do mà các hãng xe trang bị hệ thống cảm biến va chạm phía trước cho phương tiện để cảnh báo sự chuyển làn đột ngột của phương tiện đi trước trong cùng làn đường.
Hệ thống này được IIHS báo cáo rằng đã giảm 22% tỷ lệ va chạm nghiêm trọng cần phải có sự can thiệp của cảnh sát và giảm 44% tỷ lệ va chạm từ phía sau đối với xe tải lớn.
1. Cảnh báo có phương tiện cắt ngang phía sau: Giảm 25% tỷ lệ va chạm từ phía sau
Cảnh báo có phương tiện cắt ngang phía sau là hệ thống cảnh báo tự động thường được sử dụng các cảm biến tương tự như hệ thống cảnh báo điểm mù, giúp cho xe có thể an toàn lùi xe khỏi điểm đỗ.
Cảm biến phương tiện cắt ngang khi lùi
Hệ thống đã hỗ trợ tài xế giảm 25 – 30% các vụ va chạm từ phía sau, theo JD Power.
Hùng Dũng (theo Hotcars)