Thông tin với VietNamNet ngày 19/12, bác sĩ Ma Thị Sao, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Pắc Nặm, Bắc Kạn, cho hay vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra đầu giờ chiều qua (18/12) tại thôn Thôm Mèo, xã Xuân La, huyện Pác Nặm.
Bữa ăn gồm 11 người không cùng một gia đình, tổ chức ăn lẩu tại Nhà Văn hóa thôn, thức ăn gồm: Rau xanh, thịt lợn, mì tôm, trứng gà và khoảng 300g củ ô đầu (ấu tàu) tươi cho vào nồi lẩu, rượu trắng.
Sau ăn khoảng 5-10 phút, một số người thấy hiện tượng tê đầu lưỡi và buồn nôn, nôn nên không ăn nữa. Bốn người khác tiếp tục ăn mì tôm và rau xanh trong nồi. Đến khi cũng có triệu chứng tương tự và thấy những người bị trước chuyển biến nặng hơn, tất cả mới dừng ăn.
Ông Long Văn Huyến, Trưởng Trạm Y tế xã Xuân La, cho biết người đầu tiên xuất hiện triệu chứng lúc 12h15 phút. Có 7 người bị nặng được đưa lên Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm cấp cứu, 4 người triệu chứng nhẹ tự theo dõi tại nhà.
"Các bệnh nhân đều có dấu hiệu tê đầu lưỡi, tê, co quắp ngón tay chân, đau đầu, có đau bụng, buồn nôn và nôn ra thức ăn, đi ngoài phân lỏng nhiều lần", báo cáo của Trạm Y tế xã Xuân La gửi Trung tâm Y tế huyện cho biết. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu bệnh phẩm, mẫu thức ăn để kiểm nghiệm.
Bà Sao cho biết nguyên nhân vụ việc được xác định là do độc tố tự nhiên có trong củ ấu tàu sử dụng trong bữa lẩu.
Đến chiều 19/12, chỉ còn 1 bệnh nhân vụ ngộ độc còn điều trị, theo dõi tại viện. Đây là người phụ nữ 48 tuổi, chị còn có triệu chứng đau bụng, đau đầu, buồn nôn. Những trường hợp còn lại đã ổn định, ra viện.
Củ ấu tàu còn gọi là ô đầu, ú tầu, gấu tầu, thường mọc hoang hoặc trồng ở vùng biên giới phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai... Thành phần độc tố chính của ấu tàu là aconitin (chất gây tê đầu lưỡi) và các alcalloid khác, có thể gây tử vong chỉ với một hàm lượng rất nhỏ.
Người dân thường sử dụng củ ấu tàu để ngâm rượu, chế biến thức ăn song không biết cách loại bỏ độc tố. Khi bị ngộ độc, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nôn, buồn nôn, tê môi, lưỡi, tay, chân hoặc toàn thân, cảm giác tức ngực, khó thở, loạn nhịp tim. Các triệu chứng nặng hơn như co giật, suy hô hấp, thậm chí ngừng tim, tử vong.
Bác sĩ khuyến cáo khi sử dụng các chế phẩm có thành phần là củ ấu tàu cần thận trọng. Không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn nếu không biết cách loại bỏ độc tố. Không được uống rượu ngâm củ ấu tàu bởi có thể ngộ độc dẫn đến tử vong. Các loại rượu ngâm củ ấu tàu dùng để xoa bóp phải được dán nhãn rõ ràng, cất giữ cẩn thận, tránh xa tầm tay trẻ em.