Bộ TT&TT đã xác định năm 2024 Bộ tiếp tục đặt trọng tâm vào dịch vụ công trực tuyến, với 2 yêu cầu là toàn trình và thực chất. Trong đó, toàn trình là người dân có thể làm từ nhà và thực chất nghĩa là dịch vụ công trực tuyến đó cần có ít nhất 70% người dân dùng từ nhà.
Để quản lý, thúc đẩy sự phát triển trong từng lĩnh vực, quan điểm của Bộ TT&TT là cần phải có công cụ công nghệ hỗ trợ đo lường, theo dõi. Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (gọi tắt là hệ thống EMC) là hệ thống do Bộ TT&TT xây dựng để thực hiện đo lường, đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước.
Yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giám sát, đánh giá hiệu quả và mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã được Chính phủ quy định tại các nghị định 45, ngày 8/4/2020, về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và 42, ngày 24/6/2022, về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Thông qua việc kết nối, thu thập số liệu về tình hình sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương, hệ thống EMC hỗ trợ Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ TT&TT có thể theo dõi, đánh giá được tình hình sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, tỉnh theo thời gian thực.
Thời gian qua, Bộ TT&TT đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở các bộ, tỉnh về việc tuân thủ quy định của pháp luật về giám sát, đánh giá hiệu quả, mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua hệ thống EMC. Theo thống kê của Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT&TT), tính đến ngày 18/1, đã có 67 bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối toàn diện với hệ thống EMC; tuy nhiên, vẫn còn 16 bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành kết nối toàn diện với hệ thống EMC.
Cùng với đề nghị tuân thủ quy định của pháp luật về giám sát, đánh giá hiệu quả, mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua hệ thống EMC, trong văn bản mới gửi các bộ, ngành và địa phương, Bộ TT&TT cũng khuyến nghị một số nội dung nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến.
Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách để triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Trong đó, tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến như giảm phí, lệ phí, giảm thời gian xử lý…, với thời hạn cần hoàn thành là tháng 3/2024.
Đối với việc triển khai thí điểm một số dịch vụ không tiếp nhận bản giấy, một số ngày không tiếp nhận bản giấy, Bộ TT&TT đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện đánh giá kết quả thí điểm và gửi báo cáo về Bộ trước tháng 3/2024.
Tuy nhiên, Bộ TT&TT cũng lưu ý thêm, trong trường hợp người dân đến cơ quan nhà nước thực hiện dịch vụ công theo hình thức trực tiếp, cơ quan vẫn phải tiếp nhận, hướng dẫn, tạo điều kiện, hỗ trợ người dân trong việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo quy định.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cũng cần ưu tiên thiết kế lại giao diện, trải nghiệm của người dùng với các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, nhiều người dùng. Thời hạn các bộ, ngành, địa phương cần hoàn thành nội dung công việc này là tháng 6/2024.
Tại kết luận phiên họp tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban đánh giá chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Riêng về dịch vụ công trực tuyến, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số nhận định, việc triển khai đã được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Theo số liệu của Bộ TT&TT, năm 2023, 100% bộ, ngành, địa phương đã rà soát và ban hành danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện trong phạm vi bộ, ngành, địa phương để triển khai dịch vụ công trực tuyến theo quy định tại Nghị định 42 năm 2022. Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai 81% thủ tục hành chính là dịch vụ công trực tuyến, trong đó 48,5% thủ tục hành chính được triển khai là dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Tính đến tháng 12/2023, có 49 tỉnh, thành đã ban hành chính sách giảm phí, lệ phí; 13 tỉnh, thành đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Đặc biệt, về hiệu quả sử dụng, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trong năm 2023 đạt 38,5%. Qua thống kê, đo lường trên hệ thống EMC, trung bình hàng ngày có khoảng 76.000 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến. Ước tính, năm 2023 việc nộp, xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến có thể giúp tiết kiệm hàng chục triệu giờ công so với việc thực hiện dịch vụ công theo cách truyền thống.
Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia, năm 2024, Cục sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ TT&TT tiếp tục đo lường, đánh giá, công bố kết quả việc cung cấp và hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương để làm cơ sở cải tiến chất lượng, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân.
Bên cạnh đó, Cục Chuyển đổi số quốc gia cũng sẽ tham mưu Bộ TT&TT xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ 'Đề án tuyên truyền, phổ biến về cung cấp và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đến năm 2025, định hướng đến năm 2030'. Mục đích của đề xuất này là nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kỹ năng số cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua các Tổ công nghệ số cộng đồng, thông qua nền tảng học trực tuyến… Qua đó, bảo đảm người dân có thể tự truy cập, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến theo nhu cầu, khi cần.