Chị Nguyễn Thị Hiền (Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết con gái học lớp 5 ngồi cạnh bạn nhiễm Covid-19. Về nhà, cô bé lo lắng vì mình là F1.
Trong ngày 12/4, cô giáo thông báo lớp có 3 học sinh nhiễm Covid-19 và có nhiều bạn phải nghỉ học vì ốm sốt. Trước đó, các em đi học vẫn ăn uống, ngồi cạnh nhau nên nguy cơ lây chéo rất lớn.
Sau khi phát hiện ca bệnh, cả lớp đã đeo khẩu trang. Các em rửa tay bằng cồn, lau dọn vệ sinh sạch sẽ. Chị Hiền cho biết, thời điểm này học sinh đang chuẩn bị thi đánh giá học kỳ II. Tình trạng học sinh ốm, sốt, nhiễm Covid-19 nhiều khiến các phụ huynh lo lắng, liên tục hỏi cô giáo về kế hoạch thi của các con có thay đổi hay không.
Tại trường Lômônôxốp (Nam Từ Liêm), một lớp khối 12 có 15/35 học sinh phải nghỉ học với lý do ốm sốt, trong đó, 9 em mắc Covid-19.
Ngày 13/4, Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, thời gian gần đây, số ca mắc Covid-19 tại địa phương này đang tăng nhanh. Từ đầu tháng 4 đến nay, đã có 72 bệnh nhân khai báo với cơ quan chức năng. Đáng chú ý, dịch đã xâm nhập vào trường học và có nguy cơ lan rộng. Lào Cai ghi nhận chùm ca bệnh với hơn 50 học sinh mắc. Tại Hà Nội, các trường học cũng có rải rác các ca Covid-19.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), tình trạng số ca mắc Covid-19 tăng hơn thời gian trước đó không bất thường. Trong dịch Covid-19, các quốc gia đều ghi nhận làn sóng tăng - giảm.
Bác sĩ Hoàng cho biết, đơn vị giáo dục cần phối hợp với ngành y tế lựa chọn phương án không làm lây lan ca bệnh, đồng thời không ảnh hưởng tới việc học của trẻ.
Với trẻ 5 -17 tuổi nếu chưa tiêm đủ 2 mũi thì nên tiêm ngay. Để dịch bệnh không lây lan, bác sĩ Hoàng đề xuất ngành y tế Hà Nội cần tăng cường truyền thông để người dân hiểu rõ nguy cơ tái mắc Covid-19, thực hiện theo các khuyến cáo của Bộ Y tế.
Ngoài ra, bác sĩ Hoàng cũng gợi ý hai biện pháp phòng dịch các phụ huynh cần làm ngay cho con:
Thứ nhất: Tăng cường miễn dịch cho học sinh. Trong thời gian này, học sinh nhiều khối cuối cấp đang miệt mài ôn thi, bỏ ăn, thậm chí thức khuya ảnh hưởng tới sức khỏe. Nếu trẻ không may nhiễm Covid-19 sẽ mệt mỏi. Vì vậy, học sinh cần ăn, ngủ đúng giờ, không học quá khuya. Phụ huynh cho con ăn đủ chất, bổ sung thêm các vitamin cần thiết như C, D. Tăng cường miễn dịch cũng phòng các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, thủy đậu, sốt virus.
Thứ hai: Tăng cường vận động cho học sinh. Thói quen vận động của học sinh hiện nay rất hạn chế. Bác sĩ Hoàng cho rằng sau hơn 2 năm Covid-19 trước đó, nhiều học sinh quay trở lại cuộc sống như trước đi học, xem tivi, điện thoại, ít vận động hơn.
Trước tình hình số ca mắc tại Hà Nội tăng, ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết, người dân chưa tiêm mũi 3, 4 thì đến các trạm y tế xã, phường để triển khai. Việc tiêm vắc xin Covid-19 không cần phải đăng ký, chỉ cần đến trạm y tế thực hiện. Bên cạnh đó, nếu có triệu chứng mắc bệnh nhẹ cần tự theo dõi, cách ly tại nhà, chỉ những trường hợp nằm trong nhóm nguy cơ cao và triệu chứng biểu hiện nặng mới cần đến cơ sở y tế điều trị. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng chống, đeo khẩu trang, khử khuẩn khi đi vào những khu vực điều trị... |