Các hộ nông dân dần quen với phương thức bán hàng qua sàn điện tử
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù số ca tử vong do dịch Covid-19 đã giảm đáng kể so với các tháng trước, số bệnh nhân khỏi bệnh cao hơn số ca mắc mới, tuy nhiên dịch vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Nam như TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh...
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ sản xuất nông nghiệp, các hợp tác xã vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề, với hơn 90% hợp tác xã giảm doanh thu và lợi nhuận.
Là một trong những đơn vị đã tích cực triển khai kế hoạch “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông dân lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn” được Bộ TT&TT phê duyệt hồi trung tuần tháng 7, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ nông dân mở gian hàng số trên sàn Postmart.
Theo thống kê của Bộ TT&TT, tính đến ngày 8/10, các doanh nghiệp bưu chính đã hỗ trợ 19 tỉnh phía Nam tiêu thụ được 1.763 tấn nông sản và 40.750 quả dừa. Song song đó, hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân các địa phương giãn cách xã hội cũng thu được kết quả ấn tượng, với tổng khối lượng hàng hóa đã cung cấp lên tới gần 103.000 tấn tính đến ngày 16/10.
Với mong muốn đồng hành cùng các hộ nông dân từng bước phục hồi kinh tế, góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản trên toàn quốc, những ngày qua, Vietnam Post đã tiếp tục hỗ trợ người nông dân cả nước tiêu thụ các loại nông sản đang vào vụ thu hoạch, đặc biệt là qua sàn Postmart.
Nhiều hộ nông dân đã biết tận dụng các thế mạnh của nền tảng số để giới thiệu sản phẩm của gia đình mình. |
Chỉ trong làn sóng Covid -19 lần thứ tư, đã có khoảng 254.000 nhà cung cấp là các hộ sản xuất nông nghiệp được Vietnam Post hỗ trợ mở gian hàng số trên sàn Postmart. Qua đó, đã hỗ trợ tiêu thụ gần 1.000 tấn nông sản, đặc biệt là trái cây, rau củ tươi. Điển hình như na Lạng Sơn tiêu thụ gần 100 tấn, nhãn Đồng Tháp, Hưng Yên tiêu thụ được gần 300 tấn, bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) đạt 163 tấn…
Theo các chuyên gia kinh tế, phương thức tiêu thụ nông sản hoàn toàn mới này không chỉ giúp người nông dân giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm trong dịch mà sẽ mở ra một hướng tiêu thụ nông sản mới, hiệu quả và bền vững hơn trong thời gian tới.
Ông Phan Trọng Lê, Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu của Vietnam Post cho biết, trung bình mỗi ngày lượng truy cập vào sàn Postmart đạt gần 10.000 lượt, tăng mạnh so với trước. Đa số người tiêu dùng truy cập và lựa chọn mua các sản phẩm nông sản trái cây, đặc sản chính vụ của các địa phương.
Nhiều khách hàng đã dần chuyển đổi kênh mua sắm nông sản qua sàn thương mại điện tử, mà không cần phải mua trực tiếp như trước kia. Bởi các sản phẩm nông sản được lựa chọn đưa lên sàn đều là những sản phẩm tốt nhất của các hộ gia đình, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng hàng hóa cao và đồng đều.
Dù mới tiếp cận với phương thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử, song nhiều hộ nông dân đã biết tận dụng các thế mạnh của nền tảng số để giới thiệu sản phẩm, từng bước tạo dựng được thương hiệu cho riêng mình.
“Có những hộ gia đình chỉ sau 1 tuần lên sàn đã tiêu thụ được 1/3 sản lượng hàng hóa. Khách hàng của các hộ sản xuất nông nghiệp giờ đây được mở rộng hơn, thành phần đa dạng hơn. Nhiều nông dân đã không còn lo ngại về sự lệ thuộc vào thương lái mỗi khi nông sản của gia đình vào chính vụ thu hoạch”, ông Lê cho hay.
Nhiều chương trình ưu đãi cho các hộ nông dân mở gian hàng số
Tổng giám đốc Vietnam Post Chu Quang Hào nhận định, từ nay đến cuối năm là thời điểm vàng tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho người dân, trong khi đó nhu cầu mua nông sản của người tiêu dùng cũng tăng cao, đặc biệt vào các dịp lễ Tết khi khối lượng giao dịch có thể tăng 200% so với những ngày thường.
Vietnam Post đang tăng tốc đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ trực tiếp việc tiêu thụ nông sản. |
Ngoài các chương trình hỗ trợ nông dân mở gian hàng trên sàn Postmart, Vietnam Post đang tăng tốc đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ trực tiếp việc tiêu thụ nông sản thông qua các thế mạnh của đơn vị chuyển phát, hậu cần thương mại điện tử.
Điển hình như, ban hành các chính sách giá vận chuyển hợp lý, bố trí kho lạnh tại các tỉnh, thành phố để đảm bảo chất lượng hàng tươi ngon như vừa thu hoạch, phối hợp với các nhà cung cấp giảm giá các sản phẩm vào những đợt Lễ, Tết, xây dựng các combo hàng hóa linh hoạt, phù hợp với nhiều đối tượng…
Đặc biệt, Vietnam Post đã xây dựng luồng ưu tiên dành cho việc vận chuyển các sản phẩm nông sản để đảm bảo thời gian vận chuyển và chất lượng trái cây vẫn tươi ngon, tránh dập nát, đồng thời bố trí khu vực bảo quản đảm bảo tiêu chuẩn để lưu trữ các sản phẩm nông sản trong quá trình chờ vận chuyển
“Nhằm góp phần phục hồi kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi đã xây dựng và phân chia các sản phẩm nông sản theo 2 dòng: Tiêu thụ thường xuyên và tiêu thụ theo mùa vụ. Với mỗi dòng sản phẩm, Vietnam Post đều có phương án tiêu thụ hợp lý, nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất cho các hộ sản xuất nông nghiệp", ông Chu Quang Hào khẳng định.
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng, Vietnam Post cũng đã xây dựng phương án tiêu thụ nông sản tại nội vùng, cận vùng và liên vùng với từng loại sản phẩm để điều chỉnh lại khu vực phục vụ của sản phẩm trên sàn Postmart.
Vân Anh
Doanh nghiệp TMĐT trong nước đang “vẽ” bản đồ nông sản, đặc sản Việt
Từ kết quả tích cực của tình hình tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử nội, các chuyên gia nhận định, bản đồ nông sản đặc sản, bách hóa Việt Nam trên các sàn đã và đang được tô vẽ bởi các doanh nghiệp nước nhà.