Ngày 4/8, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có công văn gửi các cơ quan nói rõ, hiện cả nước có trên 60% công nhân lao động đang phải thuê nhà ở gần các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nhiều nơi tập trung đông công nhân lao động nhưng tốc độ phát triển nhà ở dành cho người lao động còn chậm. Trong số đó có nhiều người lao động đang gặp rất nhiều khó khăn về chỗ ở, hoặc có chỗ ở nhưng chất lượng sinh hoạt còn thấp.
Do đó, Thủ tướng đã ban hành quyết định 08 nhằm hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động để giải quyết phần nào khó khăn về chỗ ở.
Tuy nhiên, tiến độ hỗ trợ tại nhiều địa phương còn rất chậm. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục đôn đốc, kiến nghị và phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền chính sách hỗ trợ thuê nhà, đặc biệt quy định về mức hỗ trợ, trình tự thủ tục, hồ sơ…
Các cấp công đoàn chủ động đề xuất, kiến nghị và phối hợp với chủ doanh nghiệp triển khai việc lập danh sách, các biểu mẫu đăng ký thủ tục thực hiện hỗ trợ. Đồng thời, công đoàn cơ sở cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết ngày 2/8, cả nước có khoảng 2,95 triệu lao động đang làm việc tại doanh nghiệp ở 61 tỉnh, thành được xác nhận đủ điều kiện hỗ trợ thuê nhà với mức 500.000 đồng/tháng (tối đa 3 tháng).
Bên cạnh đó, gần 175.000 lao động đi làm trở lại đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà tại 50 tỉnh, thành với mức 1 triệu đồng/tháng (tối đa 3 tháng) cũng được cơ quan này xác nhận.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/8, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết dự kiến có khoảng 3,4 triệu lao động được hưởng chính sách từ gói 6.600 tỷ đồng (theo QĐ 08).
Dù Chính phủ đã có 4 công điện chỉ đạo đơn giản hóa các thủ tục để tiền hỗ trợ sớm đến tay người lao động nhưng thực tế, 29 địa phương chưa giải ngân được đồng nào.
Nhiều địa phương "khoán trắng" cho cấp dưới, khoán cho doanh nghiệp, khoán cho người lao động trong khi một số địa phương khác lại buộc bổ sung thêm giấy tờ không có trong quy định như đòi hỏi hợp đồng thuê nhà, giấy tạm trú, tạm vắng…
Trong khi xây dựng chính sách đã yêu cầu cơ bản là đơn giản nhất có thể các loại thủ tục nhưng vẫn có địa phương yêu cầu chủ nhà trọ phải cung cấp đăng ký kinh doanh khi xác nhận cho công nhân thuê trọ.
Thậm chí có doanh nghiệp nộp hồ sơ cả tháng nhưng địa phương chưa giải quyết kịp thời trong khi theo quy định chỉ được giải quyết trong hạn 2 ngày làm việc.
Đến ngày 2/8, cả nước vẫn còn 29 địa phương chưa giải ngân đồng nào trong gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Đó là các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Bắc Kạn, Phú Thọ, Sơn La, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Phú Yên Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang và Bạc Liêu. |