Đây là thông tin được ông Nguyễn Thành Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại (XTTM), Cục XTTM, Bộ Công Thương cho biết tại Tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử”.
Toạ đàm do Tạp chí Công thương tổ chức hôm 19/10 vừa qua. Theo ông Dương, trong thời đại ngày nay, chuyển đổi số như một xu thế tất yếu trong mọi ngành nghề, lĩnh vực.
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) cùng với những tác động của đại dịch Covid-19 đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam bán hàng xuyên biên giới. Xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Trong những năm gần đây, Cục Xúc tiến thương mại triển khai “Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM”.
Theo đó, giai đoạn 2021-2030, Cục triển khai rất nhiều những hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM và mục tiêu nòng cốt là tập trung xây dựng hệ sinh thái XTTM số.
Trong hệ sinh thái XTTM số này, Cục triển khai xây dựng những nền tảng số tương ứng đối với hoạt động mà XTTM trực tiếp để hỗ trợ những doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân có cơ hội xúc tiến thương mại trên môi trường số.
Theo đó, trong những năm qua, Cục triển khai rất nhiều hợp tác với sàn TMĐT trong và ngoài nước, như sàn TMĐT Alibaba.com, Amazon.com, nền tảng TMĐT Tiktok, sàn TMĐT trong nước, ví dụ như là Tiki, Shopee, Lazada và Voso nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh kinh doanh hiệu quả.
Bên cạnh đó, Cục phối hợp những sàn TMĐT để xây dựng những gian hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng mới, thị trường mới thúc đẩy giao dịch hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu nông sản thông qua sàn TMĐT.
Ngoài ra, Cục còn triển khai rất nhiều hoạt động hợp tác liên quan đến đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tại các địa phương.
Theo đó từ năm 2021 đến nay, Cục đã triển khai được gần 40 khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, tập trung vào kỹ năng nâng cao, kỹ năng về kinh doanh trên nền tảng số, đặc biệt là kỹ năng bán hàng như kỹ năng livestream bán hàng để có thể hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả trên những sàn TMĐT.
“Trong tháng 8 vừa qua khi triển khai một khóa đào tạo tại tỉnh Tiền Giang về hỗ trợ đào tạo, tập huấn các hợp tác xã, hộ nông dân và các doanh nghiệp kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, trong đó, tập trung vào kỹ năng livestream bán hàng. Kết quả, một doanh nghiệp bán nông sản - mật ong livestream tại lớp khoảng hai tiếng đồng hồ thu về 7.192.000 đồng”, ông Dương nói.
Đánh giá đây chưa phải là doanh thu lớn đối với những doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm lâu năm về thương mại điện tử nhưng theo ông Dương kết quả này thể hiện tính hiệu quả của những hoạt động đào tạo, tập huấn của Cục đang triển khai phối hợp với những sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh có thể kinh doanh hiệu quả nông sản trên môi trường số, ông Dương cho biết, trong thời gian tới, Cục sẽ phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái XTTM số.
Song song đó, Cục sẽ đa dạng hóa việc phối hợp với những sàn TMĐT trong và ngoài nước tìm kiếm những sàn TMĐT lớn hơn, những sàn TMĐT phù hợp hơn, có nhiều xu hướng hơn để có thể hỗ trợ kịp thời đối với những doanh nghiệp đang có ý định kinh doanh nông sản trên sàn TMĐT.