Năm 2024 là năm phổ cập hạ tầng số
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, năm 2024 là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.
Người đứng đầu ngành TT&TT cũng một lần nữa chỉ rõ, hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số Việt Nam có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thực tế, phản ánh từ các Sở TT&TT cho thấy, việc phát triển hạ tầng số tại một địa phương vẫn đang gặp vướng mắc như khó khi xây dựng trạm phát sóng thông tin di động BTS trên đất công, tài sản công; khó khăn về chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng trạm BTS.
Ở góc độ nhà mạng, khẳng định cam kết tiếp tục tập trung nâng cao năng lực hạ tầng số, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel cũng kiến nghị các tỉnh, thành phố hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông trong việc phát triển hạ tầng để hiện thực hóa mục tiêu xóa bỏ các điểm lõm sóng 4G, phát triển mạng 5G tại địa phương.
Tại buổi làm việc của Bộ TT&TT với Giám đốc các Sở TT&TT và các đối tượng quản lý trong lĩnh vực TT&TT ngày 28/12/2023, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng số, đồng thời cho rằng các địa phương, Sở TT&TT phải coi phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số là trách nhiệm và là việc chính của mình.
Điều gì đưa Quảng Ninh thành điển hình về phát triển hạ tầng số?
Báo cáo chuyển đổi số quốc gia năm 2023 cho thấy, về hạ tầng số, giai đoạn 2021 - 2023, Bộ TT&TT đã điều phối các doanh nghiệp viễn thông phủ sóng di động tại 2.433 vùng lõm sóng. Tính đến tháng 12/2023, cả nước còn 620 thôn lõm sóng, trong đó có 502 thôn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn và 118 thôn không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, bao gồm các thôn chưa có điện lưới. Tốc độ mạng của Việt Nam năm 2023 tăng từ 15 - 30% so với năm 2022.
Về hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, Việt Nam có 13 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu, 45 trung tâm dữ liệu với tổng số gần 28.000 racks. Năm 2023, có thêm 2 trung tâm dữ liệu quy mô lớn của VNPT và CMC. Năm 2023 cũng là năm khởi động Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Đáng chú ý, theo đánh giá của Bộ TT&TT, Quảng Ninh là một trong các địa phương điển hình về phát triển hạ tầng số. Hiện Quảng Ninh không còn vùng lõm sóng di động. Hạ tầng Internet băng rộng đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn.
Tỉ lệ thuê bao di động/người dân của Quảng Ninh đạt 1,3 so với cả nước là 1,23 thuê bao/người dân. Số hộ gia đình có băng rộng cố định đạt tỷ lệ 93%, so với cả nước là 79%. Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã có Trung tâm tích hợp dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng công nghệ điện toán đám mây.
Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương trong phát triển hạ tầng số, tại phiên họp thứ 7, ngày 28/12/2023 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, những năm qua, bên cạnh việc chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, tỉnh cũng đã chủ động xây dựng, phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số.
Để thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, Quảng Ninh quyết liệt chỉ đạo, đã rà soát và ban hành các quy hoạch về hạ tầng viễn thông thụ động trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu các nhà mạng sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật trạm BTS; đồng thời rà soát xây dựng kế hoạch phủ vùng lõm sóng thông tin di động tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.
Nhờ đó, đến nay 100% các địa bàn dân cư ở tất cả các xã, phường, thị trấn của Quảng Ninh đều có sóng thông tin di động. “Tỉnh có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông trong quá trình phát triển hạ tầng như hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng và tuyên truyền để người dân nhận thức được rằng ở nơi mình sống có sóng di động thì trước hết mình là người hưởng thụ”, ông Vũ Văn Diện chia sẻ.
Từ thực tiễn phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số trên địa bàn tỉnh, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng chia sẻ 3 bài học kinh nghiệm, trước hết là: Quan điểm hạ tầng số cần được phát triển đi trước một bước; việc xây dựng hạ tầng số cần được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong từng năm, từng giai đoạn, và được lồng ghép vào các Nghị quyết, Chỉ thị của cấp ủy. Đồng thời, tổ chức triển khai đồng bộ ở các cấp chính quyền và xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải tập trung chỉ đạo, thường xuyên kiểm đếm, đánh giá kết quả.
Cùng với đó, Sở TT&TT luôn theo dõi, cập nhật việc phát triển công nghệ cũng như các chính sách, quy định mới của ngành để chủ động tham mưu cho tỉnh trong việc phát triển các nội dung thông tin truyền thông liên quan. Các vướng mắc khi triển khai cần nhanh chóng gửi các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT để được hướng dẫn kịp thời làm cơ sở để tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện theo hướng dẫn.
Đáng chú ý, trên cơ sở nhận thức rõ trách nhiệm của địa phương, Sở TT&TT trong công tác phát triển hạ tầng số, Quảng Ninh đã luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, xây dựng hạ tầng tại địa phương, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.