Câu chuyện về cuộc đời người thầy giáo gốc Bolivia Jaime Escalante (1930-2010) đã truyền cảm hứng cho nhà văn Jay Mathews viết nên tác phẩm 'Escalante: Người thầy xuất sắc nhất nước Mỹ'.
Cuốn sách được viết vào năm 1988, kể về những năm đầu đời thầy Escalante cống hiến với nghề giáo. Thế nhưng sự cống hiến không dừng lại ở đó, thầy vẫn tiếp tục hành trình truyền lửa cho học trò. Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, Escalante giữ vững phương pháp giáo dục này và bằng lòng yêu thương tràn đầy.
Ông đã đào tạo hơn 400 học sinh ưu tú đỗ vào những trường đại học nổi tiếng thế giới như Harvard, MIT, Stanford...
VietNamNet giới thiệu một số đoạn trích từ cuốn sách này.
Một hiệu trưởng khác từng hỏi Gradillas rằng ông áp dụng những quy tắc khắt khe và các khóa học khó hơn để làm gì nếu chúng khiến nhiều học sinh bỏ học hơn. “Trẻ em thường xuyên bỏ học”, Gradillas nói, “nhưng không có học sinh nào nghỉ học vì lý do trường học có quá nhiều quy tắc phải tuân theo hay vì trường học yêu cầu chúng làm nhiều bài tập về nhà. Và học sinh trượt môn Đại số: Có gì đảm bảo rằng học sinh đó sẽ không trượt môn Toán cơ bản nếu chúng tôi để học sinh chỉ học đúng môn đó không?”.
[...]
Thành công bất ngờ và chưa từng có của Trường Trung học Garfield bắt nguồn từ niềm tin và tham vọng cá nhân của một người đàn ông, với sự giúp đỡ từ một số người có chung một vài quan điểm với ông. Không ai trong số họ đề xuất bất kì giả thuyết lớn lao nào khi họ bắt đầu hành trình này. Và cũng ít có ai kì vọng vào một kết quả khả quan như thế.
Trong một vài trường hợp, cách mà họ tiếp tục công việc mình đang làm không thể khác biệt hơn. Jaime Escalante phản đối việc giáo viên sẵn sàng giảm tải khối lượng kiến thức cho học sinh khi chúng cảm thấy áp lực.
Ben Jiménez cho rằng việc Henry Gradillas không ngừng quảng bá về điểm thi cao là một cách làm truyền thông sáo rỗng và không thực sự giúp ích trong việc cải thiện khả năng của số đông học sinh Giải tích ở trường. Nhiều giáo viên ở Garfield tỏ ra khó chịu hoặc tổn thương trước sự chú ý mà Escalante nhận được từ giới truyền thông sau chiến tích năm 1982.
Tuy nhiên, những đam mê và thất vọng này đã tạo ra một kết quả ngoạn mục. Vậy điều đó đã xảy ra bằng cách nào?
[...]
Bài học đầu tiên từ Garfield là: Những giáo viên muốn nâng cao chất lượng học sinh là những nhân tố quý giá. Hãy để họ yên - như Escalante đã khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình ngay khi các kế hoạch của ông vi phạm quy định hay trái với lẽ thường. Nếu các giáo viên giỏi yêu cầu sự giúp đỡ, hãy giúp họ nhưng phải đúng theo cách mà họ muốn.
Bài học thứ hai là: Nếu được để yên, những giáo viên làm việc chăm chỉ và quan tâm đến học sinh sẽ chuyên tâm để mang đến kết quả tốt hơn gấp 10 lần theo 10 khuyến nghị tốt nhất từ 10 ủy ban giáo dục do tổng thống vừa thành lập.
Các đề xuất của ủy ban và - một sáng kiến gần đây hơn - các báo cáo của ủy ban về mục tiêu của giáo viên, đôi khi cũng giúp ích. Những giáo viên giỏi sẽ đọc chúng và đưa ra những ý tưởng hay. Những giáo viên giỏi khác, như Escalante, phớt lờ và cho rằng kinh nghiệm của chính họ mới là tốt nhất.
Rắc rối nảy sinh khi các ý tưởng mới do cấp trên áp đặt, thông qua các điều kiện để nhận được tài trợ của liên bang hay các sắc lệnh của tiểu bang hoặc chính sách của hội đồng trường địa phương. Nếu một hệ thống nào đó có hiệu quả, những giáo viên giỏi sẽ nghe nó - các hiệp hội và công đoàn của giáo viên sẽ xem xét qua - và họ sẽ thử áp dụng. Ngân sách từ nhà nước đã giúp ích được rất nhiều, nhưng thường nó cũng đi kèm với quá nhiều ràng buộc.
Escalante đã tận dụng tối đa nguồn quỹ HCOP và Chương 1 bằng cách tuân thủ theo các hướng dẫn của liên bang. Thậm chí, những ý tưởng hay ho nhất xuất phát từ vụ việc ở Garfield cũng sẽ không hiệu quả nếu lúc đầu chúng được hội đồng nhà trường nghĩ ra và rút gọn thành những đoạn văn ngắn được đánh số thứ tự.
Bài học thứ ba dường như chỉ áp dụng cho các nhóm thiểu số, nhưng nó sẽ hiệu quả đối với hầu hết trẻ em: Đòi hỏi ở chúng nhiều hơn những gì chúng nghĩ chúng có thể. Dành ra mọi lúc có thể để thuyết phục chúng rằng chúng có thể làm được chỉ cần chúng nỗ lực hết sức. Khẩu hiệu to nhất trên tường của phòng MH-1 là KHÔNG CẦN PHẢI GIẢM ĐỘ KHÓ CỦA GIẢI TÍCH, NÓ ĐÃ DỄ SẴN RỒI.
Điều quan trọng là, cánh cửa tại lớp học đó luôn rộng mở chào đón hầu như tất cả mọi người, kể cả những học sinh có thành tích yếu kém. Escalante thù ghét hệ thống theo dõi - đưa những học sinh nhanh nhẹn và chậm chạp vào các lớp khác nhau hoặc cấm học sinh tham gia các khóa học, trừ khi chúng vượt qua bài kiểm tra đầu vào.
Năm 1987, tính trên cả nước thì Trường Trung học Garfield có hơn 26% học sinh người Mỹ gốc Mexico đậu môn Giải tích Nâng cao AB hoặc BC từ điểm 3 trở lên. Đó là một thắng lợi lớn cho Garfield nhưng cũng là một điểm đáng chê trách đối với hàng ngàn trường trung học khác ở Mỹ, những trường đã không thuyết phục được học sinh Latin và các học sinh thiểu số khác rằng chúng có thể thành công ở cấp độ này, hoặc thậm chí, có những trường còn không để cho học sinh của mình thử cố gắng.