Sinh năm 1922, ông William (không chia sẻ họ) lớn tuổi hơn cả Bệnh viện Mount Sinai ở Toronto (Canada), nơi ông thường tới thăm khám. Tại đây, các bác sĩ lão khoa chăm sóc, điều trị mọi vấn đề phát sinh để giúp ông William luôn khỏe mạnh và sống tự lập tại nhà.
Ông William là một trong số ít những người sống lâu trăm tuổi nhưng nhóm này đang có xu hướng gia tăng. Năm 2024, số người trên 100 tuổi chiếm 0,03% dân số Mỹ. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, dựa vào dữ liệu từ Cục Điều tra dân số Mỹ, ước tính con số này sẽ tăng lên 0,1% vào năm 2054.
Mặc dù một nhóm nhân viên y tế giúp ông William duy trì sức khỏe, các yếu tố về di truyền, lối sống cũng có thể đóng vai trò rất lớn đối với một người sống qua 100 tuổi. Bác sĩ Samir Sinha, người điều trị chính cho ông William tại Bệnh viện Mount Sinai, cũng bày tỏ hy vọng được sống lâu như bệnh nhân của mình.
Mới đây, Sinai Health đã chia sẻ suy nghĩ của ông William về bí quyết giúp sống lâu:
Không cho phép bản thân lười vận động
Ông William thường bơi 4-5 lần một tuần khi còn trẻ. Bây giờ, ông thường đi bộ và nâng tạ 7kg mỗi ngày. "Hãy cẩn thận với tình trạng không hoạt động. Tôi không cho phép mình trở nên lười vận động", cụ ông cho hay.
Bác sĩ Sinha thông tin ông William kết hợp bài tập nâng cao sức đề kháng và aerobic hằng ngày là hình thức lý tưởng để "duy trì sức khỏe mạch máu, não cũng như giữ cho cơ, xương chắc khỏe".
Nghiên cứu cho thấy chỉ cần đi bộ 20 phút mỗi ngày hoặc tập thể dục tăng cường cơ bắp 30 phút mỗi tuần có thể giúp bạn sống thọ hơn.
Không ăn đồ bán sẵn bên ngoài
Ông William tự chuẩn bị tất cả bữa ăn của mình. Nấu ăn tại nhà giúp bạn hạn chế thực phẩm siêu chế biến - có liên quan đến nguy cơ mắc nhiều bất ổn sức khỏe, bao gồm bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2, ung thư và bệnh tim mạch, theo nghiên cứu công bố trên The BMJ.
Ông William cũng luôn ăn cá mòi, bắt đầu từ năm 6 tuổi. Loại cá này chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể chúng ta như kali, sắt và canxi, có liên quan đến sức khỏe tim mạch tốt hơn và hạ huyết áp, theo nghiên cứu đăng trên Frontiers in Nutrition.
Không bám trụ 1 công việc suốt đời
Ông William đã làm nhiều công việc khác nhau và chỉ nghỉ hưu khi đã 85 tuổi. Ông bắt đầu với tư cách là bác sĩ chăm sóc chính, sau đó chuyển sang y tế công cộng và trở thành bác sĩ tâm lý trị liệu trước khi nghỉ hưu.
"Thay đổi nghề nghiệp tốt cho tất cả mọi người. Bạn không thể ở lì một chỗ suốt đời. Bạn phải luôn hứng thú với công việc", ông William khuyên.
Theo bác sĩ Sinha, sự nghiệp lâu dài và đa dạng cho phép ông William luôn bận rộn và duy trì mục đích. Ngoài ra, các hoạt động tình nguyện, có sở thích và tương tác xã hội cũng tốt cho chúng ta.
Tiến sĩ Heidi Tissenbaum, chuyên gia lão khoa, giảng viên Trường Y khoa Đại học Massachusetts (Mỹ), đánh giá, giữ cho tâm trí bạn bận rộn là nguyên tắc cơ bản của tuổi thọ.