Ngày 1/6, cuối phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến những khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp đang gặp phải.
2 lý do chấp nhận mặt bằng lãi suất cao
Liên quan đến lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của doanh nghiệp khi vay vốn từ trước tới nay. Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước cũng rất mong muốn và quan tâm điều đó.
Tuy nhiên, bà Hồng khẳng định, lãi suất cũng cần phải được xem xét trong tổng thể điều hành chính sách để đảm bảo được đại cục về ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đặc biệt là an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Năm 2022, có 2 lý do rất quan trọng để phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn. Đó là, lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh. Ở trong nước, lạm phát tuy thấp so với mục tiêu, nhưng vẫn cao hơn so với mức 1,84% năm 2021. Đặc biệt là, nửa cuối năm 2022 lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh từng tháng.
Bên cạnh đó, áp lực mất giá của đồng Việt Nam rất lớn trong năm 2022 khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng USD tăng giá rất mạnh. Vào thời điểm tháng 9, 10 năm ngoái, đồng Việt Nam áp lực mất giá lên đến 9-10%, nếu không có những giải pháp linh hoạt và đồng bộ thì khó có thể ổn định được mức tỷ giá chỉ mất giá 3,5% trong năm 2022.
“Ở thời điểm đó, nếu chúng ta để đồng Việt Nam mất giá trên 10% thì điều gì sẽ xảy ra? Doanh nghiệp sẽ vô cùng khó khăn, bởi họ bị thâm hụt hằng năm rất lớn và sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài”, Thống đốc phân tích.
Chính vì vậy, giải pháp lúc đó là tập trung chủ yếu đối với vấn đề lãi suất. Trong những tháng đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã rất quyết liệt và điều chỉnh 3 lần, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm 0,9% bình quân so với cuối năm 2021.
Về điều hành tín dụng, Thống đốc cho biết, tháng 10 năm ngoái là thời điểm diễn ra sự kiện rút tiền hàng loạt tại SCB chưa từng có trong lịch sử và nguy cơ tác động lan truyền đến hệ thống ngân hàng rất lớn.
“Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định phải tập trung ưu tiên vừa ổn định thị trường ngoại hối và đặc biệt phải đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng và đảm bảo chi trả cho người dân”, bà Hồng nhấn mạnh.
Vì vậy, không thể điều chỉnh room tín dụng vào thời điểm tháng 10. Sau khi thanh khoản ổn định trở lại thì Ngân hàng Nhà nước mới điều chỉnh tăng trưởng tín dụng.
“Những giải pháp này được cân nhắc rất kỹ lưỡng, tất cả để hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống và tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân, không vì mục tiêu nào khác”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Đối với lĩnh vực tín dụng bất động sản, bà Hồng cho hay, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực này cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Nhưng với những khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, 70% là vướng về pháp lý.
Cho nên giải pháp bây giờ phải tập trung vào tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý, cộng với các doanh nghiệp cần phải rà soát để điều chỉnh giá bất động sản. Việc này sẽ kích thích tín dụng cho cả doanh nghiệp xây dựng bất động sản cũng như người mua nhà.
Sẽ có chính sách mạnh, kịp thời và hiệu quả hơn
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị phải phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương và các bộ, ngành. Trong đó có phân cấp về chi thường xuyên để sửa chữa, nâng cấp các công trình công và các máy móc thiết bị, hay chẳng hạn như đánh giá tác động môi trường.
Đồng thời tập trung giải quyết những vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt là đất đai và các công trình điện.
Bộ trưởng Tài chính cũng lưu ý đến việc giải quyết thị trường và cung ứng vốn. Ngoài việc hoàn thiện các quy định, cần “hành động, hành động và hành động” hướng đến doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế, doanh nghiệp có phát triển thì mới giải quyết được công ăn việc làm, tăng trưởng được và thu ngân sách được thì sẽ thành công”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.
Còn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị tập trung vào 3 vấn đề: Thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo ông Dũng, chi phí đầu vào, các chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí gia nhập thị trường của chúng ta cũng còn cao. Các khó khăn của doanh nghiệp đều ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề lao động, việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động.
Đây là những vấn đề mà Chính phủ đặc biệt quan tâm, trong thời gian qua cũng đã có rất nhiều các chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân như giảm lãi suất cho vay, điều kiện vay, giảm thuế, phí, lệ phí, xúc tiến mở rộng thị trường.
“Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để chỉ đạo, có những biện pháp, những chính sách mạnh hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp và người lao động để hỗ trợ cho nền kinh tế”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.