Sáng 31/5, câu chuyện cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm trở thành tâm điểm trên nghị trường, thu hút sự tham gia tranh luận của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội.

Hành lang pháp lý rõ ràng chẳng có gì phải sợ

Tranh luận về tình trạng này, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nhìn nhận, đúng là có nhóm cán bộ công chức sợ sai, đùn đẩy công việc.

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý, nếu trong thực thi công vụ, để làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình mà đã có các quy định, hành lang pháp lý rõ ràng, phù hợp thì chắc chắn rằng, họ sẽ chỉ còn nỗ lực để năng động, sáng tạo tìm những cách làm hiệu quả hơn "chẳng có gì phải sợ".

XEM CLIP

Thế nhưng, thực tế hiện nay, trong không ít các việc lớn, việc nhỏ, nếu quyết định thực hiện để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, có khi phải vi phạm không nhiều, thì ít.

“Những người thấy làm sai quy định, sai luật “vì lợi ích chung” mà không biết sợ thì có lẽ là “điếc không sợ súng” hoặc thiếu ý thức tổ chức kỷ luật”, đại biểu tỉnh Tây Ninh nhận định.

Vì thế, ông Hậu băn khoăn việc “bảo vệ người dám nghĩ, dám làm” có vẻ “bất khả thi”. Bởi lẽ, có một số trường hợp lại thành là bảo vệ việc làm chưa đúng quy định.

“Và cứ theo bậc thang, có thể phải lên đến Quốc hội vì cái vướng mắc để họ phải dám nghĩ, dám làm nằm trong sự chưa phù hợp, sự mâu thuẫn của các luật hiện hành”, đại biểu phân tích.

Và cũng vì thế, việc cấp dưới hỏi xin ý kiến, chờ chỉ đạo của trên, thậm chí được giao nhiệm vụ rõ ràng rồi nhưng càng đi sâu vào thực hiện càng thấy vướng nên lại chuyển ngược lên cho cấp trên quyết, cấp trên cho ý kiến rồi mới làm đang trở thành phổ biến.

Từ phân tích này, đại biểu tỉnh Tây Ninh nhìn lại việc xây dựng để ban hành Nghị định về khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm dường như cũng gần như vậy.

Đại biểu dẫn chứng hàng loạt quy định từ Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đến Nghị quyết 28, Hội nghị Trung ương 6 yêu cầu thể chế chủ trương này. Rồi nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Thủ tướng liên quan đến nội dung này...

Việc định hướng, đại biểu cho rằng chỉ đạo là rất rõ ràng, thế nhưng, sau 3 lần chỉnh sửa dự thảo và lấy ý kiến, Bộ Nội vụ thấy “vướng rất nhiều quy định của pháp luật” nên “đang tham mưu, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tới đây có nghị quyết thí điểm về khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Sau đó Thủ tướng Chính phủ mới ban hành nghị định”.

Đại biểu Trần Hữu Hậu

Từ thực tế đó, đại biểu Trần Hữu Hậu đưa ra quan điểm "cần phải làm sao để cán bộ, công chức, viên chức các cấp không phải dám nghĩ, dám làm; và không cần cấp trên phải khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ, dám làm".

Cán bộ, công chức, viên chức các cấp chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để “năng động, sáng tạo” thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất cho dân, cho nước trong khuôn khổ các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. 

Tức là khi phát hiện luật hoặc các quy định chưa phù hợp thì tập trung sửa ngay với quy trình sao cho chặt chẽ nhưng đơn giản, ngắn gọn.

Bởi lẽ, theo như dự thảo của Bộ Nội vụ thì người dám nghĩ, dám làm phải trình đề xuất của mình và phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Mà, điều khó nhất, vướng nhất lại là luật và cơ quan có thẩm quyền cuối cùng sẽ là Quốc hội, là Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy, câu chuyện sẽ lại trở về trình Quốc hội cho thí điểm, hoặc sửa luật.

“Tôi rất thấm thía lời của Thủ tướng trong trả lời một chất vấn của tôi: Luật là do chúng ta; trong thực tiễn đang vướng mà vướng là do chúng ta đặt ra, vậy thì chúng ta sửa. Tuy nhiên, để sửa những quy định bất hợp lý do chính chúng ta đặt ra lại quá khó khăn”, đại biểu đoàn Tây Ninh bày tỏ.

Đại biểu trăn trở, trong không ít trường hợp, khi tất cả hoặc hầu hết các cá nhân, các cơ quan, đơn vị liên quan đều đúng, đều cố gắng thực hiện tốt nhất, đúng nhất theo chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của mình thì có những việc nóng hổi của dân, của nước bị đóng băng.

Bày tỏ không thể chấp nhận những hiện tượng như vậy, đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh: “Cái đúng đi với cái đúng phải đem đến sự thông thoáng, phải giúp đất nước phát triển, đáp ứng mong mỏi của nhân dân; cái đúng đi với cái đúng không thể dẫn đến sự trì trệ, đến việc làm nghèo đất nước”.

Từ đó, ông mong Quốc hội xem xét để có được những cách làm, những trình tự thủ tục phù hợp hơn nữa để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh; để cán bộ bớt phải “dám nghĩ dám làm”, tập trung sức lực và trí tuệ để năng động, để sáng tạo làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình trong sự thông thoáng của các quy định, của pháp luật.

Rà soát xem có bao nhiêu công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” 

Tham gia tranh luận nội dung này, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, hiện nay có một số cán bộ do năng lực hạn chế không dám làm nên né tránh, đùn đẩy công việc. Hiện tượng này dân ta hay nói “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” và cần rà soát xem số này bao nhiêu?

Dẫn lại con số cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ còn khá khiêm tốn, đại biểu nêu lại trả lời của Bộ trưởng Nội vụ tại các kỳ họp nhìn nhận công tác đánh giá cán bộ còn chưa thực chất, chưa sát thực tiễn. 

XEM CLIP:

Nói về giải pháp khắc phục tình trạng này, ông Tám cho rằng, ngoài việc cá thể hóa trách nhiệm  cá nhân, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong tham mưu ban hành các quy định, trong đó có tình chậm ban hành văn bản chi tiết.

Theo đại biểu Tô Văn Tám, yêu cầu phát triển mỗi giai đoạn mỗi khác, nguồn cảm hứng, phá rào, như Khoán 10, những đêm trước đổi mới hiện nay không còn.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay cần cơ chế dám nghĩ, dám làm và Bộ Chính trị đã có kết luận về việc này cần phải được cụ thể hóa bằng các quy định. 

Đại biểu Tạ Văn Hạ 

Cùng quan tâm tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đặt vấn đề “Bây giờ chúng ta bắt thế nào cho đúng bệnh?”.

Ông dẫn câu chuyện đầu tư công làm ví dụ. Nếu đầu tư công hoàn thành sẽ đóng góp tăng trưởng 2% GDP nhưng tại sao làm nhiều năm nay chỉ mới giải ngân được 14,6%. 

Theo quy luật năm nay là năm thứ 3 đầu tư công trung hạn, khi hoàn thành hết các thủ tục rồi thì càng về cuối giải ngân phải càng cao và càng dễ hơn nhưng vẫn chậm.

Đại biểu cho rằng, Quốc hội đã rất tích cực đồng hành cùng Chính phủ bằng các cuộc họp bất thường, có nhiều nghị quyết tháo gỡ khó khăn, làm đến cùng. Trên thực tế có rất nhiều tỉnh giải ngân rất tốt như Yên Bái, một số tỉnh cũng không gặp vướng mắc về chính sách. 

Ngoài ra, đại biểu ghi nhận Thủ tướng đã rất quyết liệt khi ban hành 2 công điện gần đây để chấn chỉnh vấn đề này nhưng cũng băn khoăn “tại sao vẫn không giải quyết được”.

Ông kể lại khi trao đổi với cơ sở, cán bộ tâm sự: “Báo cáo các anh, chúng em là cán bộ mà không làm thì lãnh đạo họ bị xử đến nơi đến chốn nhưng cái khó ở đây là làm sao tham mưu phải đúng quy định pháp luật nhưng đồng thời phải đúng ý chỉ đạo của sếp”. Chính vì vậy mà không xử lý được cán bộ khi họ không tham mưu.

Vì vậy, đại biểu cho rằng, cái chính của vấn đề là trách nhiệm của người đứng đầu. Chúng ta phải quyết tâm, quyết liệt xử lý người đứng đầu.

“Tổng kết lại xem chúng ta xử lý được bao nhiêu người đứng đầu không thực hiện nhiệm vụ. Có bao nhiêu người đứng sang một bên khi không làm việc? Đấy mới là điểm chính”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.