Cơ quan An ninh nội địa dân sự (ABW)
Đây là cơ quan chịu trách nhiệm đối phó các mối đe dọa đối với an ninh trong nước và các vi phạm hiến pháp. Cơ quan này có 15 chi nhánh nằm ở thủ phủ các địa phương trong cả nước. Cơ quan đầu não của nó nằm ở thủ đô Warsaw, gồm 5 cục (kể cả Cục Hồ sơ lưu trữ và Cục Pháp lý); 16 đơn vị, trong đó có các bộ phận phản gián, chống tham nhũng, chống khủng bố và tội phạm có tổ chức, bảo vệ tài liệu mật và an ninh công nghệ thông tin (IT).
ABW có nhiệm vụ theo dõi, phát hiện hoạt động gián điệp, khủng bố, hành động tham nhũng của các quan chức, các bưu điện công cộng, các tội phạm kinh tế, hoạt động phổ biến vũ khí hạt nhân, sinh học, hoá học và buôn lậu ma túy quốc tế. Cơ quan này cũng chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh thông tin và cấp giấy phép tiếp cận tài liệu mật.
Cơ quan Tình báo dân sự (AW)
Về cơ cấu tổ chức, AW gồm có 10 phòng chính, bao gồm văn phòng đại diện của ABW, phòng nhân sự và huấn luyện, phòng thông tin và phân tích, phòng nghiên cứu và dự báo.
AW có nhiệm vụ thu thập và phổ biến tin tức về các vấn đề an ninh; Phát hiện, nhận diện và đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài đối với an ninh, quốc phòng, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ba Lan; Bảo vệ các phái đoàn ngoại giao của Ba Lan chống lại hoạt động của các cơ quan tình báo nước ngoài và những hoạt động khác có thể phương hại tới lợi ích quốc gia; Mã hoá, giải mã tin tức và chuyển giao tài liệu ngoại giao cho Bộ Ngoại giao;
Ngoài ra, cơ quan này còn có nhiệm vụ chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa cực đoan và các nhóm tội phạm có tổ chức quốc tế; theo dõi hoạt động buôn bán quốc tế về vũ khí, đạn dược và chất nổ, ma túy, hàng hoá, công nghệ và các dịch vụ; theo dõi việc phổ biến và kiểm soát vũ khí hạt nhân, sinh học và hoá học; Phân tích các mối đe dọa tiềm tàng xuất phát từ những căng thẳng khu vực, những cuộc xung đột hoặc những cuộc khủng hoảng quốc tế, bao gồm cả các hoạt động nhằm hoá giải những mối đe dọa này; Tiến hành hoạt động trinh sát kỹ thuật.
Cơ quan Thông tin quân sự (WSI)
Đây là cơ quan tình báo nằm dưới sự kiểm soát và điều hành của Bộ Quốc phòng, chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động phản gián và an ninh quân sự. WSI phối hợp chặt chẽ với AWB và AW, tiến hành điều tra và đối phó với các mối đe dọa đối với hệ thống phòng thủ quốc gia và các thông tin quốc phòng quan trọng; kiểm soát các giấy phép sử dụng vũ khí, chất nổ và các thiết bị quân sự khác.
Là cơ quan an ninh quốc gia liên quan đến quốc phòng, WSI chịu trách nhiệm về phát hành các tài liệu mật, sử dụng các loại giấy chứng nhận, xác nhận việc mã hoá, giải mã và bảo đảm trang thiết bị cho lĩnh vực quốc phòng.
Về cơ cấu tổ chức, WSI gồm bộ chỉ huy tình báo và bộ chỉ huy phản gián. Phòng nghiên cứu phân tích và phòng tùy viên quân sự nằm dưới quyền chỉ huy của hai bộ chỉ huy này. Các nhân viên của WSI được đào tạo tại trung tâm huấn luyện của WSI. Hoạt động của WSI nhận được sự hỗ trợ của cơ quan kỹ thuật và tài chính.
Một số chuyên gia kiến nghị nên sáp nhập cơ quan tình báo dân sự và cơ quan an ninh nội địa với các cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng. Nhưng việc sáp nhập này có thể sẽ làm tê liệt hoàn toàn các hoạt động có mục đích quân sự, chủ yếu là do cơ cấu thông tin phức tạp. Hơn nữa, NATO không thể chấp nhận một cơ cấu thông tin như vậy.
Một số quan chức Bộ Quốc phòng Ba Lan lại cho rằng, bất cứ một biện pháp triệt để nào nhằm cải tổ WSI có thể phương hại tới không chỉ an ninh của Ba Lan, mà cả các sĩ quan và nhân viên WSI đang làm việc ở các vị trí khác nhau trên toàn thế giới.
Nguyên Phong