Nhiều người cho rằng bệnh nhân ung thư tuyệt đối không đi đám tang, hóa trị sẽ làm bệnh nặng hơn, tử vong nhanh hơn, vì vậy nên uống thuốc nam để kéo dài thời gian sống. Xin hỏi bác sĩ quan điểm này có đúng không? (Nguyễn Văn Minh, 51 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai)
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, TP.HCM, trả lời:
Thứ nhất bệnh nhân ung thư không được đi đám tang
Tôi cũng gặp rất nhiều bệnh nhân truyền tai nhau mắc ung thư không được đi đám tang nhưng điều này không có cơ sở khoa học. Nếu trong gia đình có người thân qua đời, người bệnh vẫn có thể đi thăm hỏi bình thường.
Trong quá trình điều trị ung thư, diễn tiến bệnh có thể nặng hơn trùng hợp với việc bạn đi đám ma. Khi đó, bạn liên hệ bác sĩ để được tư vấn.
Thứ hai, hóa trị làm bệnh nặng lên là sai
Các phương pháp điều trị ung thư hiện nay đều được nghiên cứu và theo dõi trong một thời gian rất dài. Hóa trị được xem là một trong các phương pháp sử dụng khá nhiều. Hóa trị có nhiều thuốc mới dạng uống, dạng truyền. Phương pháp này có ưu thế tác dụng đường máu và tấn công tế bào ung thư ẩn náu sâu trong các cơ quan khác của cơ thể.
Hóa trị có thể sử dụng ở tất cả các giai đoạn của bệnh nhân ung thư. Bác sĩ sẽ theo mục đích điều trị để sử dụng phương pháp này. Ví dụ, ung thư vú khối u lớn quá chúng ta cần hóa trị để giảm kích thước khối u sau đó mới mổ. Hoặc, ung thư đại trực tràng chúng ta đã mổ nhưng còn sót lại tế bào ung thư. Khi đó, bệnh nhân sẽ được hóa trị để tiêu diệt tế bào còn lại đó.
Hóa trị cũng làm cho bệnh nhân bớt triệu chứng đau, khó chịu do khối u gây ra. Hóa trị được dùng xuyên suốt quá trình điều trị ung thư hoặc kết hợp với xạ trị, phẫu thuật, liệu pháp miễn dịch nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất.
Tuy nhiên, hóa trị có tác dụng phụ. Bệnh nhân sẽ mệt mỏi, nôn ói, chán ăn. Bệnh nhân cần cố gắng ăn uống nhiều lần/ngày, uống nhiều nước, chế độ ăn đầy đủ chất thịt, sữa, trứng, thêm trái cây và các chất khoáng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Người bệnh hạn chế thức ăn nặng mùi, tái sống. Dinh dưỡng tốt sẽ đảm bảo sức khỏe để người bệnh theo được quá trình điều trị ung thư.
Thứ ba, thuốc nam chữa được ung thư
Đây là quan niệm sai lầm nguy hiểm nhất. Hơn 10 năm làm việc chuyên ngành ung thư, tôi chưa thấy ai khỏi bệnh nhờ điều trị bằng thuốc dân gian.
Y học cổ truyền đóng vai trò lớn trong nền y học. Nhưng đối với ung thư y học cổ truyền chỉ hỗ trợ, chưa đóng vai trò chính trong điều trị ung thư. Bệnh nhân có thể sử dụng y học cổ truyền để giảm những tác dụng phụ do điều trị tây y gây ra, giúp người bệnh ăn ngủ, tốt hơn.
Thực tế, một số thuốc điều trị ung thư hiện nay vẫn được chiếu xuất từ các cây cỏ trong thiên nhiên như cây bình bát, cây thông đỏ. Tuy nhiên, quá trình sản xuất đòi hỏi nhiều công đoạn, không phải là bạn ăn, uống cây cỏ sẽ trị được ung thư.
Nghiên cứu về các chế phẩm từ vật liệu cây cỏ trong điều trị ung thư còn hạn chế, kết quả chưa ấn tượng nhiều. Trong y học cổ truyền, ung thư là u nhọt nhưng u cũng có u lành, u ác. Bệnh nhân của tôi thường hỏi có sử dụng y học cổ truyền được không? Tôi đều khuyên họ có thể kết hợp cùng nhưng không nên bỏ điều trị chuyên khoa theo bác sĩ. Nếu bệnh nhân bỏ hẳn điều trị chuyên khoa về uống thuốc y học cổ truyền sẽ nguy hiểm.
Ung thư dạ dày: Căn bệnh nguy hiểm, phát hiện dễ dàng
Những người cần tầm soát ung thư tuyến giáp